Chi Lăng chủ động, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại ngô, lúa
LSO-Mặc dù sâu bệnh hại ngô, lúa như rầy các loại, sâu gai…vụ xuân năm nay xuất hiện nhiều, nhưng do có sự chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ của ngành chức năng, sự tích cực của bà con nông dân nên huyện Chi Lăng đã phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại ngô lúa.
LSO-Mặc dù sâu bệnh hại ngô, lúa như rầy các loại, sâu gai…vụ xuân năm nay xuất hiện nhiều, nhưng do có sự chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ của ngành chức năng, sự tích cực của bà con nông dân nên huyện Chi Lăng đã phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại ngô lúa.
Người dân đến Trạm BVTV huyện mua thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng |
Thường vào vụ xuân, sâu bệnh xuất hiện gây hại nhiều hơn các vụ khác. Vì vậy, công tác phòng trừ sâu bệnh luôn được ngành chức năng huyện Chi Lăng quan tâm. Ngay từ thời điểm đầu vụ, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại, hướng dẫn bà con biện pháp phòng trừ. Đồng thời, đề nghị các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên theo dõi đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ đúng và hiệu quả. Từ đầu vụ đến nay, trên những trà lúa xuân đã xuất hiện khá nhiều loại sâu bệnh hại. Trong đó, có một số đối tượng gây hại chính như: ốc bươu vàng, rầy các loại, sâu cuốn lá… đã được phát hiện kịp thời, bà con chủ động phòng trừ hiệu quả. Cụ thể: ngay giai đoạn lúa mới cấy tới hồi xanh, đối tượng gây hại chủ yếu là ốc bươu vàng trên diện tích 5 ha, mật độ ốc non 1-2con/m2; ốc nhỡ 3-10 con/m2 đã được bà con nông dân chủ động phát hiện phòng trừ kịp thời. Khi lúa vào giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, qua điều tra của cơ quan chức năng cho thấy: rầy các loại đã xuất hiện nhiều với tổng diện tích nhiễm 13,5 ha. Mật độ rầy non trưởng thành trung bình 100-500 con/m2; cao từ 800-2000 con/m2; cá biệt có nơi mật độ lên đến 3.000-5.000 con/m2.
Trước thực tế trên, Trạm BVTV huyện đã ra thông báo khẩn gửi các xã, thị trấn tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ. Toàn bộ diện tích nhiễm đã được bà con chủ động phun thuốc kịp thời, hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng. Cùng với rầy các loại, sâu cuốn lá cũng đã xuất hiện trên diện tích 12 ha với sâu tuổi 2,3 có mật độ 5-10 con/m2; tuổi 2,3,4 mật độ cao 25-50 con/m2 . Toàn bộ diễn tích nhiễm đã được bà con phun thuốc phòng trừ, hiệu quả. Sau khi phun thuốc, bà con tích cực làm cỏ, chăm sóc đồng ruộng cộng với thời tiết có mưa nhiều, đều trên diện rộng nên lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ngoài ra cũng trong giai đoạn này, trên những trà lúa xuân còn xuất hiện một số bệnh như: khô vằn, vàng lá, sâu đục thân…nhưng ở mức độ nhẹ không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn đòng-trỗ, phải một thời gian ngắn nữa bọ xít dài mới xuất hiện gây hại. Khi có mặt ở Trạm BVTV huyện Chi Lăng, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều nông dân tìm đến mua thuốc phòng trừ bọ xít dài hại lúa. Bà Đàm Thị Cầu, thôn Khuôn Thúng, xã Quang Lang cho biết: Theo kinh nghiệm sản xuất, thời gian tới, bọ xít dài sẽ xuất hiện gây hại. Nếu được phun ngay từ khi mới xuất hiện hiệu quả sẽ rất cao. Vì vậy, bà đã chủ động đến Trạm BVTV mua thuốc để khi bọ xít dài xuất hiện sẽ phun phòng trừ ngay.
Cùng với cây lúa, trên những nương ngô ở giai đoạn phát triển từ thân lá đến bắp non đã xuất hiện sâu gai gây hại trên diện tích 12,5 ha, mật độ con non – trưởng thành trung bình 10-50 con/m2, cao 100-200 con/m2, cá biệt có nơi mật độ sâu gai lên đến 400-500 com/m2. Bà Hoàng Thị Hiếu, cán bộ Trạm BVTV huyện cho biết: Để phòng trừ hiệu quả sâu gai hại ngô, ngay sau khi điều tra phát hiện, Trạm BVTV đã ra thông báo khẩn gửi UBND các xã, thị trấn hướng dẫn bà con chủ động phòng trừ kịp thời, hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, ngô xuân còn xuất hiện một số loại sâu như: sâu xám giai đoạn mới trồng, sâu đục thân, sâu ăn lá… giai đoạn thân lá đến bắp non nhưng mật thấp, chưa đến ngưỡng phòng trừ, không gây hại đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.
Do có sự chủ động của ngành chức năng, sự tích cực trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng của bà con nông dân, đến thời điểm này, các loại sâu bệnh chính có khả năng gây hại ngô, lúa vụ xuân đã được bà con chủ động phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()