LSO-Năm 2011, dịch bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện ở 19/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân, các hộ kinh doanh và tạo tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm 2012, huyện đã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm (GSGC), phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, yêu cầu các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét cho GSGC và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của từng đơn vị. Người dân xã Chi Lăng chủ động phòng chống rét cho trâu bòTheo số liệu thống kê, huyện Chi Lăng hiện có khoảng 410 ngàn con GSGC. Trong đó có 17.626 con trâu, 9.627 con bò, 39.359 con lợn, 1.156 con ngựa và hơn 342.000 con gia cầm các loại. Để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh GSGC, phòng chống đói rét cho vật nuôi, UBND huyện...
LSO-Năm 2011, dịch bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện ở 19/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân, các hộ kinh doanh và tạo tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm 2012, huyện đã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm (GSGC), phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, yêu cầu các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét cho GSGC và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của từng đơn vị.
Người dân xã Chi Lăng chủ động phòng chống rét cho trâu bò
Theo số liệu thống kê, huyện Chi Lăng hiện có khoảng 410 ngàn con GSGC. Trong đó có 17.626 con trâu, 9.627 con bò, 39.359 con lợn, 1.156 con ngựa và hơn 342.000 con gia cầm các loại. Để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh GSGC, phòng chống đói rét cho vật nuôi, UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 15/KH-UBND về “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh GSGC”. Theo đó, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với trạm thú y chỉ đạo nhân viên tiến hành phun tiêu độc, khử trùng cho 5 xã, thị trấn (thị trấn Chi Lăng, Đồng Mỏ, xã Chi Lăng, Vạn Linh, Nhân Lý), cấp phát thuốc sát trùng và hướng dẫn cho 16 xã còn lại tự tổ chức phun phòng trừ. Trong quá trình phun đặc biệt tập trung vào các khu vực chợ và hơn 30 điểm giết mổ với định kỳ phun 2 lần/tuần. Đi đôi với tiêu độc khử trùng, trạm thú y đã tiến hành tiêm 1.400 liều vắc-xin New Castle và 1.460 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho GSGC. Với mục đích nâng cao nhận thức của người nông dân về tiêm phòng, vệ sinh phòng bệnh, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn khuyến nông viên về trồng trọt chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tình hình dịch bệnh, sớm phát hiện mầm bệnh và có biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Anh Hoàng Đình Hậu, thú y viên xã Chi Lăng cho biết, để phòng chống dịch bệnh cho GSGC, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền tại các buổi họp thôn, thậm chí đến từng nhà để nhắc nhở bà con vệ sinh chuồng trại, thức ăn chăn nuôi… Hiện nay xã đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại được 9/14 thôn. Nhờ đó, với tổng đàn GSGC hơn 14.150 nhưng từ đầu vụ rét đến nay chưa có GSGC nào mắc bệnh hoặc chết vì dịch bệnh. Cùng với đó, việc kiểm tra giám sát số lượng động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển qua địa bàn huyện cũng được chú trọng, tăng cường. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra việc cung ứng vật tư nông nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh như: phân giả, giống giả, các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng. Kết quả, từ đầu năm đến nay, huyện đã kiểm dịch vận chuyển được 380 con GSGC, 924 con gia cầm thịt và kiểm soát giết mổ được 357 con lợn. Ông Lý Minh Hải, Phó Trưởng Trạm Thú y huyện Chi Lăng cho biết, huyện hiện có 26 thú y viên ở 21 xã, thị trấn. Trung bình mỗi xã có từ 1 đến 2 thú y viên nhưng việc tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức tiêm phòng bệnh cho GSGC ở tất cả các thôn, bản còn hạn chế do địa bàn rộng, giao thông đi lại còn khó khăn.
Theo đánh giá của ông Lương Thành Chung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, thành viên BCĐ Phòng chống dịch bệnh GSGC huyện thì công tác phòng chống dịch bệnh cho GSGC trên địa bàn huyện thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong đợi. Vì thế, ngay từ đầu năm 2012, huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyên, nâng cao nhận thức cho người dân để họ chủ động nâng cao sức đề kháng cho GSGC bằng các biện pháp sinh học (sử dụng thức ăn tinh, khoáng…). Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm phòng bệnh cho GSGC sẽ được tổ chức thành 2 đợt (tháng 3, 4 và tháng 9, 10). Mong rằng sẽ có sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội để vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện, đảm bảo tỷ lệ tiêm theo đúng quy định.
Ngọc Hiếu
Ý kiến ()