Chi Lăng: Chủ động chăm sóc na trước vụ mới
– Khoảng thời gian giữa tháng 4 đến tháng 5 hằng năm là thời điểm người trồng na huyện Chi Lăng tiến hành thụ phấn cho hoa na. Theo nhiều người trồng na, đây là thời điểm phải giữ cho cây khỏe mạnh không để sâu hại. Việc này nhằm giúp cho cây na phát triển tốt và đảm bảo chất lượng cho vụ mới.
Xã Chi Lăng là một trong những xã có diện tích trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP lớn nhất của huyện Chi Lăng với 120 ha. Từ giữa tháng 4, người dân trồng na tại đây đã bắt tay vào chăm sóc na, chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Gia đình ông Phan Giang, thôn Quán Bầu Đồng Ngầu là một trong những hộ tham gia mô hình trồng na theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích hơn 1 ha. Ông Giang cho biết: Tôi đang tiến hành thụ phấn thủ công cho hoa na. Để thụ phấn đạt hiệu quả, ở giai đoạn này, cần hạn chế cung cấp dinh dưỡng cho cây, tuyệt đối không bón phân, tưới nước hoặc tác động bất kỳ điều gì đến cây. Trường hợp sâu bệnh gây hại mạnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoa thì mới sử dụng các loại thuốc phù hợp để phun cho cây với liều lượng vừa đủ.
Người dân thụ phấn cho cây na tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng
Theo kinh nghiệm của người dân tại đây, na được người dân làm thành 2 vụ, trong đó, na vụ chính cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch; na gối vụ cho thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 1 dương lịch. Việc thụ phấn hoa thường diễn ra vào giữa tháng 4 đến tháng 5 dương lịch. Cây na được thụ phấn đúng thời điểm sẽ cho nhiều quả hơn, đến tháng 8 sẽ thụ phấn tiếp một lần nữa. Thời điểm này, lượng nước tưới cho cây đạt đổ ẩm ở mức 70% là tốt nhất. Ở ngưỡng độ ẩm này cây có thể phát triển tốt, tỷ lệ lây nhiễm sâu bệnh hại thấp nhất. Qua đó, giúp cây na phát triển tốt và cho ra quả to đều.
Tương tự, nhiều hộ trồng na tại xã Y Tịch cũng đang tất bật thụ phấn hoa cho mùa vụ mới. Ông Mai Thành Tâm, thôn Thạch Lương, xã Y Tịch cho biết: Thời điểm này, cây na rất dễ mắc phải các loại sâu bệnh hại như: rệp sáp, sâu đục quả, bệnh thối rễ, đục thân… Vì vậy, chúng tôi chú trọng phòng, trừ bằng biện pháp sinh học, đó là bảo vệ và gây nuôi quần thể các loại thiên địch tự nhiên có sẵn tại vườn như: bọ rùa, bọ mắt vàng, ong… Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học BIO Plus HLC phun định kỳ ở tỷ lệ vừa phải.
Không chỉ riêng ở hai vùng na trên, hiện nay, tại các xã có diện tích trồng na lớn của huyện Chi Lăng như: thị trấn Đồng Mỏ, các xã: Hòa Bình, Thượng Cường, Vạn Linh, Mai Sao…, người dân cũng đang thực hiện các biện pháp chăm sóc cây na, chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Theo thống kê của Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích na của toàn huyện đạt 1.910 ha. Trong đó, 1.500 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng na của huyện năm 2020 khoảng 17.000 tấn (bao gồm cả na gối vụ). Để đảm bảo cho cây na phát triển tốt, những năm qua, đơn vị đã triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền cho người dân về các kỹ thuật trồng, chăm sóc na trước và sau thu hoạch. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã triển khai được 32 cuộc tập huấn lồng ghép về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, thu hút 1.300 lượt người tham gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung hướng dẫn bà con phát triển na theo hướng VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng, sản lượng cho sản phẩm cũng như hạn chế việc sâu bệnh hại.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Chăm sóc trước vụ mới là một trong những việc làm quan trọng, cần thiết để đảm bảo cho cây na phát triển tốt. Tại Chi Lăng, bà con trồng na đã có rất nhiều kinh nghiệm và thực hiện rất tốt việc này. Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, hướng dẫn kiến thức nâng cao cho người dân trồng, chăm sóc đến sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng quả na.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, tăng cường kết nối giữa các hộ trồng na với các đơn vị liên kết thông qua tổ chức các hội chợ, gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong những năm gần đây. Qua đó, góp phần ổn định đầu ra, mở rộng thị trường cho sản phẩm.
Ý kiến ()