Chi Lăng: Chính quyền đồng hành cùng hợp tác xã
– Thời gian qua, huyện Chi Lăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX). Từ đó, góp phần tạo thuận lợi để các HTX phát triển, hoạt động hiệu quả.
Huyện Chi Lăng tổ chức đối thoại để giải đáp thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn trong tháng 7/2023
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng có 46 HTX đang hoạt động, trong đó hầu hết các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (41 HTX). Trước đây, các HTX chủ yếu được hình thành từ nhóm hộ gia đình, tự huy động đóng góp vốn, hoạt động với quy mô nhỏ lẻ. Vì vậy, năng lực kinh doanh, tổ chức sản xuất của các HTX còn yếu. Đồng thời, sản phẩm của một số HTX chưa xây dựng được thương hiệu và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn yêu cầu dẫn đến các sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Để từng bước giải quyết những vấn đề trên, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Chi Lăng đã thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, huyện đẩy mạnh phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện. Đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về HTX, triển khai tốt cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nhân lực, vật lực cho các HTX phát triển.
Xác định nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng đưa HTX hoạt động hiệu quả, từ năm 2022 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ 5 HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ của tỉnh đưa trí thức trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Nông sản huyện Chi Lăng cho biết: HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm na và ớt trên địa bàn huyện. Do đó, nhu cầu về nhân lực phụ trách quản lý thu chi, sổ sách là rất cần thiết. Nhờ chính sách hỗ trợ, từ tháng 9/2022, HTX được huyện hỗ trợ đưa 1 kế toán có trình độ đại học về làm việc. Điều này đã giúp HTX thực hiện hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý sổ sách, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.
Cùng với việc đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX, huyện đã triển khai hỗ trợ các HTX trên địa bàn nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường. Chỉ riêng trong năm 2022, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho 14 HTX trên địa bàn để triển khai các nội dung như: xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quảng bá sản phẩm; hỗ trợ HTX nông nghiệp thành lập mới… với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến cuối tháng 7/2023, từ các nguồn vốn như: Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025; …, huyện đã triển khai hỗ trợ hơn 50 mô hình của các HTX, tổ hợp tác (tổng diện tích hơn 170 ha) để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, Organic.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2022 đến nay, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn về nội dung phát triển các chuỗi liên kết sản xuất cho đại diện các HTX trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ 2 HTX xây dựng thành công 2 chuỗi liên kết đối với sản phẩm ớt và hồi hữu cơ. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ vật tư, tem nhãn, bao bì cho các sản phẩm của các HTX.
Ông Nguyễn Trí Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Trong năm 2023, HTX đã được huyện hỗ trợ phát triển mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 22 ha. Trong đó, các thành viên của HTX đã được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất na VietGAP. Đồng thời, được hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng, bao bì, tem nhãn và nhiều loại vật tư. Mới đây, huyện còn kết nối HTX với một số siêu thị tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm na. Các giải pháp trên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để HTX phát triển tốt hơn.
Ngoài các giải pháp trên, năm 2023, huyện đã thành lập nhóm Zalo Hợp tác xã huyện Chi Lăng với sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn và đại diện các HTX trên địa bàn huyện. Nhờ đó, các vướng mắc về thủ tục, chính sách của HTX được trực tiếp giải đáp trên nhóm zalo. Bên cạnh đó, tháng 7/2023, huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp với đại diện của gần 100 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Từ đó, kịp thời nắm bắt các vướng mắc chung của nhiều HTX như: tiếp cận vốn vay; thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ… để từng bước có giải pháp tháo gỡ.
Sự đồng hành của chính quyền huyện Chi Lăng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các HTX trên địa bàn phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tính theo kết quả đánh giá, xếp loại các HTX đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 36 HTX nông nghiệp hoạt động ở mức khá, tốt so với năm 2021. Trong đó, chỉ riêng huyện Chi Lăng đã có 11 HTX hoạt động khá, tốt, chiếm gần 30% toàn tỉnh và chiếm 28% tổng số HTX của huyện (6 HTX mới thành lập năm 2022 chưa thực hiện đánh giá). Bên cạnh đó, tỷ lệ HTX hoạt động ở mức trung bình đạt mức trên 60%.
Ý kiến ()