Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi
– Đó là ông Bùi Trung Thiệp (sinh năm 1969), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân (HND) khối 10, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông đã thực hiện mô hình trồng cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1995, ông Thiệp lập gia đình và chuyển lên sinh sống tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Những năm đó, cuộc sống rất khó khăn khiến vợ chồng ông luôn trăn trở nghĩ cách phát triển kinh tế để có điều kiện lo cho 4 đứa con ăn học. Nhận thấy quê hương Hưng Yên vốn là nơi có nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng và bản thân ông cũng được làm quen với công việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh từ nhỏ nên từ năm 2002, ông quyết định sẽ khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê này.
Ông Thiệp tiến hành cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh tại nhà
Theo đó, ông Thiệp về Hưng Yên để tìm nhập giống cây công trình, cây cảnh bonsai… các loại về chăm sóc và bán ra thị trường. Đồng thời, ông còn tìm kiếm, nhập các loại cây đặc trưng ở Lạng Sơn như cây đào, lê, mơ… để đem bán tại các tỉnh, thành miền xuôi như Hải Dương, Hà Nội, Nam Định… nhằm phục vụ nhu cầu của người chơi cây.
Những năm đầu mới bắt tay vào thực hiện, ông gặp khá nhiều khó khăn như thiếu vốn, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, phương tiện, máy móc hỗ trợ vận chuyển cây còn hạn hẹp… Để giải quyết dần những khó khăn đó, ông vay mượn anh em, bạn bè để có đủ vốn nhập cây. Đồng thời, ông tìm tòi, học hỏi qua sách báo và chủ động về Hưng Yên học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đã thành công từ nghề này để tích lũy thêm kiến thức chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Thiệp cho biết: Trồng hoa, cây cảnh đòi hỏi người trồng phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh nhãn quan sưu tầm, người trồng phải có hiểu biết về từng loại cây, từng tác phẩm để chuẩn bị đất, phân bón và biết cách cắt tỉa, chiết, ghép, tạo cành, uốn thế… cho hợp lý. Cùng với đó, người trồng phải kịp thời ứng dụng khoa học, kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng… để tư vấn cho người chơi. Giá trị của cây không chỉ phụ thuộc vào giống, loại cây mà còn phụ thuộc vào sự sáng tạo của nghệ nhân nên người trồng phải có lòng đam mê, sự tâm huyết và kinh nghiệm, kiến thức thẩm mỹ để tạo ra các tác phẩm muôn hình, muôn vẻ, có giá trị nghệ thuật cao.
Nhờ áp dụng đúng phương châm đó nên cây cảnh của ông được nhiều người ưa thích và lựa chọn. Trung bình mỗi tháng gia đình ông xuất bán 10 cây cảnh, vào thời gian cao điểm từ tháng 9 âm lịch đến dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông xuất bán lên đến hơn 20 cây cảnh các loại/tháng. Với giá bán trung bình từ 300 nghìn đồng đến vài chục triệu đồng/cây tùy vào loại cây, thế cây, tuổi của cây… đem lại cho gia đình ông thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Đồng thời, với kỹ thuật của mình, ông còn được nhiều cơ quan, doanh nghiệp tin tưởng, thuê chăm sóc các loại cây cảnh. Hiện ông đang nhận chăm sóc cây cảnh cho hơn 40 cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đem lại nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, gia đình ông còn nuôi hơn 60 tổ ong mật cho thu lãi hơn 30 triệu đồng/năm.
Không chỉ là người năng động trong phát triển kinh tế, với cương vị Chi hội trưởng Chi HND khối 10, phường Tam Thanh, ông còn thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hội viên có cùng đam mê và những gia đình có nhu cầu phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố.
Ông Hà Minh Tuấn, Chủ tịch HND phường Tam Thanh cho biết: Bằng sự năng động, sáng tạo của bản thân, ông Thiệp xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để các hội viên khác noi theo và học hỏi. Đồng thời, ông luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa công tác hội và phong trào nông dân của phường ngày càng đi lên. Với những nỗ lực đó, ông nhiều lần được nhận giấy khen của các cấp, ngành vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi và công tác hội, phong trào nông dân.
Ý kiến ()