Chi hội trưởng năng động phát triển kinh tế
(LSO) – Chị Đặng Thị Nga sinh năm 1979, ở thôn Còn Sung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn. Chị được mọi người biết đến bởi sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, nhiệt tình trong các công việc chung.
Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Đình Lập, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nga vào một ngày cuối tháng 3/2019. Nhanh tay chăm sóc bầu cây giống lâm nghiệp, chị Nga chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, bố mất sớm nên mọi gánh nặng dồn hết lên đôi vai của mẹ. Học hết lớp 9, tôi nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ công việc đồng áng và đi đóng bầu ươm giống cây lâm nghiệp thuê cho lâm trường. Hồi đó, tôi chỉ được cuốc đất, sàng đất nhưng tôi nhìn mọi người làm rồi tự học hỏi, nắm chắc kiến thức đóng bầu.
Chị Đặng Thị Nga chăm sóc đàn dê
Năm 2001, chị Nga lập gia đình, vợ chồng chị được bố mẹ chia cho 6 sào ruộng và 2 ha rừng. Năm 2003, gia đình chị vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 15 triệu đồng đầu tư phát triển chăn nuôi. Hồi đó, trung bình mỗi năm chị nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 7 đến 10 con. Cùng với đó, tận dụng các đồng cỏ quanh nhà, chị nuôi thêm vài chục con dê và là hộ đầu tiên nuôi dê của xã
Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, năm 2007, chị Nga đi xuất khẩu lao động ở Malaysia 3 năm. Sau khi trở về, có chút vốn, chị tập trung trồng rừng và chăn nuôi.
Chị Nga cho biết: Thời điểm tôi đi xuất khẩu lao động về, nhận thấy phong trào trồng rừng phát triển mạnh, vợ chồng tôi tích cực trồng mỗi năm từ 2 đến 3 ha thông. Sau đó, nhớ lại kỹ thuật ươm cây giống lâm nghiệp tôi đã học được khi đi đóng bầu cho lâm trường, tôi bàn với chồng đầu tư vườn ươm với quy mô khoảng 40 vạn cây/năm. Nhờ làm cẩn thận, đúng quy trình nên cây giống luôn đảm bảo chất lượng. Vào thời điểm chính vụ trồng rừng, nhiều khi cây giống lâm nghiệp của gia đình không đủ cung cấp cho khách hàng.
Bên cạnh trồng rừng, chăn nuôi, ươm cây giống lâm nghiệp, theo nhu cầu của thị trường, từ năm 2012 đến nay, chị Nga đi thu mua cây thuốc chữa đau xương khớp; thu mua cây chít để bán cho các cơ sở sản xuất chổi. Tích lũy được chút vốn nào, chị lại dành mua thêm đất rừng để mở rộng diện tích.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, gia đình chị Nga trồng được hơn 10 ha thông. Hằng năm, chị duy trì chăn nuôi lợn, dê và ươm từ 20 – 30 vạn cây giống lâm nghiệp. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm.
Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đình Lập cho biết: Chị Nga là một trong những chi hội trưởng nông dân có nhiều đóng góp trong triển khai các phong trào, hoạt động của hội nông dân xã như: vận động bà con tham gia vào tổ chức hội; triển khai các chương trình: mua phân bón trả chậm, vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân… Trong phát triển kinh tế, chị Nga là hội viên năng động, sáng tạo; tạo việc làm ổn định cho 3 – 5 lao động theo thời vụ… Nhờ những cố gắng, đóng góp đó, năm 2017, gia đình chị vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện nay, chị Nga vẫn duy trì phát triển tốt mô hình kinh tế tổng hợp.
Ý kiến ()