Chi hội trưởng chi hội nông dân làm giàu từ trồng na VietGAP
– Đó là chị Đỗ Thị Mỵ (sinh năm 1972), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chị đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất na theo quy trình VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, năm 1993, chị Mỵ lập gia đình và sinh sống tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Những năm đầu mới lập gia đình, cuộc sống khó khăn, chị phải đi buôn bán nông sản ở các chợ trên địa bàn huyện Chi Lăng. Với bản tính cần cù, chịu khó, chị đã tích góp được số vốn sau 7 năm làm nghề buôn bán để mua lại vườn na có diện tích 1 ha của một hộ dân trong thị trấn.
Chị Mỵ thu hoạch na VietGAP
Thời gian đầu do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên quả na bé, mẫu mã không đẹp, giá trị kinh tế không cao. Ý thức được việc sản xuất na theo hướng an toàn sẽ giúp gia đình có đầu ra bền vững cho sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao, từ năm 2018, gia đình chị Mỵ đã tham gia triển khai mô hình sản xuất na theo quy trình VietGAP trên địa bàn thị trấn.
Đến thăm vườn na VietGAP của chị Mỵ vào một ngày giữa tháng 8/2021, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi khung cảnh hiện ra trước mắt được bao phủ bởi một màu xanh của những cây na đang độ thu hoạch quả. Tại đây, chị Mỵ và các thành viên trong gia đình đang tất bật thu hái na để chuyển cho khách ngoại tỉnh.
Chị Mỵ cho biết: Sản xuất theo quy trình VietGAP, tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật đã được cán bộ phòng chuyên môn huyện hướng dẫn, từ cách chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản và có ghi chép nhật ký chăm sóc.
Nhờ áp dụng đúng quy trình VietGAP mà mẫu mã, chất lượng quả na đẹp hơn, bán được giá cao hơn so với trước kia. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi vụ na, chị Mỵ thu được hơn 3 tấn quả, với giá bán đạt 70.000 đến 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Mỵ còn là Tổ trưởng Tổ sản xuất na số 6 sản xuất theo quy trình VietGAP của thị trấn Đồng Mỏ. Trong tháng 7/2020, chị đã vận động các hộ trồng na của tổ đóng góp kinh phí, ngày công để kéo điện lưới lên vùng sản xuất phục vụ cho việc tưới na. Đặc biệt, chị luôn giúp đỡ mọi người xung quanh khi có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây ăn quả VietGAP, chia sẻ những kinh nghiệm cho các thành viên trong tổ về sản xuất na an toàn.
Ông Nguyễn Văn Thật, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Chị Mỵ rất năng động, tháo vát, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất na an toàn, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Chị luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công tác hội; vận động hội viên trong chi hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả… Với những nỗ lực đó, chị Mỵ đã nhiều lần được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND thị trấn và UBND huyện về sản xuất kinh doanh giỏi.
Ý kiến ()