Chi hội, tổ hội nghề nghiệp: Liên kết nông dân phát triển kinh tế
(LSO) – Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các hội viên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Ngày 23/6/2016, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Đề án 24-ĐA/HNDTW về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp. Việc thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được dựa trên tiêu chí “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự sẻ chia; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Tổ hội sản xuất bánh nướng Thiện Chính, thôn Khuổi Sao, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định là một trong những chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập dựa trên các tiêu chí như vậy. Bà Nông Thị Chính, thành viên của tổ cho biết: Nhận thấy việc sản xuất bánh nướng, theo quy mô gia đình thì chậm phát triển nên sau khi được tuyên truyền, giữa năm 2019, gia đình tôi và 1 gia đình khác liên kết sản xuất bánh nướng từ đó thành lập Tổ hội sản xuất bánh nướng Thiện Chính. Từ khi sản xuất theo quy mô tổ hội, số lượng nguyên liệu đầu vào, sản lượng bánh xuất bán được nhiều hơn, nhờ đó chi phí mua nguyên liệu rẻ hơn vì mua nhiều; tổ hội liên kết tìm nơi tiêu thụ nên đầu ra cho sản phẩm ổn định. Hiện nay, bánh nướng của tổ sản xuất ra được bán ở trong tỉnh và các tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Hà Nội. Trung bình một năm, tổ hội sản xuất trên 130.000 cọc bánh, thu nhập trên 300 triệu đồng.
Thành viên Tổ hội sản xuất bánh nướng Thiện Chính (Tràng Định) đóng gói sản phẩm
Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng, huyện Tràng Định cho biết: Hội Nông dân xã đã xây dựng và thành lập được 2 tổ hội nghề nghiệp gồm: tổ hội sản xuất bánh nướng, tổ hội sản xuất bánh khảo. Trong quá trình hoạt động, các tổ hội là nơi tập hợp, thu hút các hội viên cùng sở thích; thường xuyên hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo số liệu từ Hội Nông dân tỉnh, từ khi thực hiện Đề án 24 đến nay, hội nông dân các cấp đã tuyên truyền, xây dựng, thành lập được 25 chi hội nghề nghiệp, 39 tổ hội nghề nghiệp với các ngành nghề sản xuất kinh doanh như: chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, trồng cây sở, nuôi cá nước ngọt, sản xuất bánh nướng… Trong quá trình hoạt động, các chi, tổ hội nghề nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên/tổ hội/năm.
Để các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh tổ chức từ 5 đến 6 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ các chi, tổ hội trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại tại các tỉnh như: Thái Nguyên, Quảng Ninh. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ về vốn kinh doanh thông qua quỹ hỗ trợ nông dân…
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án 24 không chỉ khẳng định tính năng động, sáng tạo của nông dân trong thời kỳ hội nhập mà còn tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ đó lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực của địa phương và nhu cầu tham gia của hội viên, nông dân trên địa bàn để thành lập và nhân rộng mô hình này.
Ý kiến ()