Chỉ gần 15% lao động khu vực phi chính thức được đào tạo kỹ năng
Theo Cục Việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lao động phi chính thức chỉ chiếm 14,8%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước là 20,6%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ năng ở khu vực chính thức cao hơn khoảng 3,7 lần, tương đương 55,4%.
Đây là thông tin từ hội thảo về việc làm phi chính thức ở Việt Nam do Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 27-11 tại Hà Nội.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, nước ta có hơn 18 triệu lao động phi chính thức đang làm các công việc phi chính thức, chiếm tới 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên toàn quốc. Con số này chưa bao gồm số lao động trong khu vực nông nghiệp. Nếu tính cả con số 22 triệu lao động nông nghiệp, tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm hơn 70% tổng lực lượng lao động hiện nay.
Ngoài ra, một phần ba số lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức cũng là lao động phi chính thức.
Tỷ lệ lao động làm các công việc phi chính thức cao nhất trong độ tuổi từ 15 đến 24 (chiếm 60%) và độ tuổi từ 55 đến 59 tuổi trở lên (Chiếm 69%).
Tại hội thảo, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, khu vực phi chính thức có những đặc điểm như lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp. Tiền lương bình quân của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Điều này cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, tác động riêng cho từng nhóm đối tượng để chính thức hóa việc làm, có giải pháp, chính sách trước mắt và lâu dài, trong đó có các giải pháp về kinh tế
Việc làm phi chính thức là một bộ phận quan trọng trong thị trường lao động Việt Nam, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động giản đơn, kỹ năng, trình độ hạn chế. Khu vực phi chính thức là vùng đệm, hấp thu lao động phi nông nghiệp khi khu vực doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng, khó khăn, tạo nên tính linh hoạt trong kinh tế. Việc giải quyết việc làm theo hướng năng suất hơn và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của lao động phi chính thức sẽ góp phần thực hiện môi trường việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt nhất cho tất cả mọi người.
Theo Nhandan
Ý kiến ()