Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 7/2024
Chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ; giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 7/2024.
Chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 2/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn...
Thủ tướng yêu cầu chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; chủ động công tác giám sát phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc xin, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người bệnh…
Giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại các Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024, số 108/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công
Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại trong công tác quản lý vốn tạm ứng ngân sách nhà nước như thời gian qua, khẩn trương thu hồi số dư tạm ứng quá hạn, đồng thời bảo đảm việc tạm ứng vốn trong thời gian tới đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng có hiệu quả, không để phát sinh các khoản tạm ứng quá hạn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trong công tác tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo trực tiếp các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong phạm vi kế hoạch vốn được giao; thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…
Kiểm kê đất đai năm 2024 trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai năm 2024 trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024.
Việc kiểm kê đất đai năm 2024 phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật về đất đai; bảo đảm tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất.
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu.
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.
Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 9/7/2024 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 45-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Đại học Quốc gia tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp: 1- Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức; 2- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; 3- Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; 4- Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; 5- Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.
Quyết liệt thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024
Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực để thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2024.
Chương trình hành động của Chính phủ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục đích của Chương trình nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%.
Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng
Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2,3 Điều 4 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội. Theo quy định mới, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 500.000 đồng/tháng, tăng 140.000 đồng/tháng so với quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (360.000 đồng/tháng).
Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công
Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng.
Thủ tục đăng ký hành nghề thẩm định giá áp dụng từ 1/7/2024
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 quy định chi tiết Điều 45, 49 và 54 của Luật Giá về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hành nghề thẩm định giá; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; việc đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Bổ sung quy định quản lý tiền lương công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ
Ngày 2/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24/8/2016 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2020/NĐ-CP ngày 01/7/2020 và Nghị định số 82/2021/NĐ-CP ngày 06/9/2021 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
Theo đó, về việc quản lý tiền lương đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nghị định bổ sung thêm quy định: Trường hợp công ty lỗ thì mức tiền lương bình quân thực hiện để tính quỹ tiền lương xác định bằng mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp lương đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và tiền lương ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động...
Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn.
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 2 hình thức: Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng và Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia; hình thức mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng.
Quy định mới về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP quy định quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau đây: Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước; Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Từ ngày 1/9/2024, áp dụng quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị
Ngày 10/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong đó sửa đổi một loạt quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2024.
Về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP sửa đổi điểm a, b khoản 5 Điều 22 của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP như sau:
a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;
b) Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.
Thí điểm phân cấp quản lý nhà nước 8 lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh
Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị định này quy định về nội dung thí điểm phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) một số lĩnh vực sau:
1. Quản lý nhà nước về đầu tư.
2. Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước.
3. Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
4. Quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
5. Quản lý nhà nước về y tế.
6. Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
7. Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp.
8. Quản lý nhà nước về nội vụ.
Quy định về thực hiện bình ổn giá
Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá. Trong đó, Nghị định quy định rõ về tổ chức thực hiện bình ổn giá theo khoản 1 Điều 20 Luật Giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá.
Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá, phân công trách nhiệm chủ trì cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ tổ chức thực hiện bình ổn giá.
Quy định mức trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng
Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2024/NĐ-CP ngày 11/7/2024 quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chúc tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái.
Nghị định quy định tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): 0%; Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): 5%; Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): 20%; Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): 50%; Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): 100%.
Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của tổ chức tài chính vi mô như sau:
Nhóm 1: 0%; Nhóm 2: 2%; Nhóm 3: 25%; Nhóm 4: 50%; Nhóm 5: 100%.
Vi phạm hành chính trong quản lý giá bị phạt tới 300 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.
Nghị định số 87/2024/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong quản lý giá là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 13/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 87, Điều 92, Điều 94, Điều 95, Điều 96, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 102, Điều 106, Điều 107, Điều 108, Điều 109 và Điều 111 của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên
Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2024/NĐ-CP ngày 16/7/2024 về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Nghị định nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chuyển đổi công ty nhà nước do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Quy định tiêu chí các phân khu chức năng của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên
Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Nghị định bổ sung quy định về "Tiêu chí các phân khu chức năng của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn loài - sinh cảnh". Theo đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: Có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn nguyên vẹn hoặc có hệ sinh thái tự nhiên bảo đảm quy luật phát triển tự nhiên của hệ sinh thái rừng; có phân bố tự nhiên và là nơi cư trú của các loài động vật, thực vật hoang dã đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm...
Cơ quan đăng ký kinh doanh tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Nghị định số 92/2024/NĐ-CP nêu rõ cơ quan đăng ký kinh doanh tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp huyện).
Sửa quy định về phong tỏa, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2024/NĐ-CP ngày 19/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản
Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Nghị định nêu rõ, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được xây dựng phù hợp với Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số, kiến trúc chính quyền điện tử ở địa phương. Việc chia sẻ dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản giữa các bộ, ngành có liên quan và địa phương phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và pháp luật về giao dịch điện tử.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được thực hiện theo quy định về: Thu thập thông tin, dữ liệu; chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu; tiếp nhận và xử lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu; thời hạn chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Quy định mới về xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ
Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023.
Trong đó, Nghị định quy định việc xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ được thực hiện như sau:
Trường hợp xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ để cho thuê, để bán hoặc kết hợp bán, cho thuê, cho thuê mua hoặc có quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê thì phải thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan;
Trường hợp xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ mà có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì việc xây dựng nhà ở này phải thực hiện theo quy định về xây dựng nhà ở riêng lẻ của cá nhân, bao gồm yêu cầu về thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, cấp Giấy phép xây dựng, quản lý, giám sát thi công xây dựng và các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Quy định mới về điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản
Chính phủ ban hành Nghị định 96/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong đó, Nghị định nêu rõ sàn giao dịch bất động sản hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải chịu trách nhiệm về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản. Người đại diện theo pháp luật của sàn giao dịch bất động sản có thể đồng thời là người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Sàn giao dịch bất động sản phải có tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
Sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền, báo cáo về phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Sửa quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước
Ngày 25/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Nghị định số 97/2024/NĐ-CP nêu rõ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan đối với:
1- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập;
2- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý hoặc được giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm cả các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và không có tên tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;
3- Phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư
Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Trong đó, Nghị định quy định các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư bao gồm: Nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng; nhà chung cư bị hư hỏng do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Nghị định quy định rõ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm: Điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập.
Điều kiện về nhà ở, Nghị định quy định trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không quá 03 ngày làm việc
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Theo Nghị định, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 03 ngày làm việc.
Quy định hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024.
Nghị định nêu rõ, việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai thực hiện như sau:
1- Đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở.
2- Đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.
Quy định mới về giảm tiền sử dụng đất áp dụng từ 1/8/2024
Chính phủ ban hành Nghị định 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo Nghị định, giảm 50% tiền sử dụng đất khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người nghèo, hộ gia đình hoặc cá nhân là người dân tộc thiểu số tại các địa bàn không có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Giảm 50% tiền sử dụng đất với đất ở cho các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 124 của Luật Đất đai đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo hoặc huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Giảm 30% tiền sử dụng đất đối với đất ở cho các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 124 của Luật Đất đai đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo hoặc huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Quyết định này quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 02 loại công trình, bao gồm: Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình.
Tiêu chuẩn diện tích, trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 11/2024/QĐ-TTg ngày 24/7/2024 về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ.
Theo quy định, Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên, được bố trí cho thuê một trong hai loại hình nhà ở công vụ, bao gồm: 1- Nhà ở liền kề cao không quá 4 tầng, có diện tích đất từ 80 m2 đến 100 m2, được thiết kế theo kiểu nhà ở liền kề có sân vườn hoặc nhà phố, xây dựng liền nhau, các tầng cùng sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật; 2- Căn hộ chung cư có diện tích sử dụng từ 80 m2 đến dưới 100 m2, được thiết kế không gian ở khép kín, có một hay nhiều không gian chức năng khác nhau như phòng khách, các phòng ngủ, phòng ăn, bếp, khu vệ sinh, ban công hoặc lô gia. Định mức kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất không gắn liền với nhà ở công vụ là 180 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên, được bố trí cho thuê một trong hai loại hình nhà ở công vụ, bao gồm: 1- Nhà ở liền kề cao không quá 4 tầng, có diện tích đất từ 60 m2 đến dưới 80 m2, được thiết kế theo kiểu nhà ở liền kề có sân vườn hoặc nhà phố, xây dựng liền nhau, các tầng cùng sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật; 2- Căn hộ chung cư có diện tích sử dụng từ 60 m2 đến dưới 80 m2, được thiết kế không gian ở khép kín, có một hay nhiều không gian chức năng khác nhau như phòng khách, các phòng ngủ, phòng ăn, bếp, khu vệ sinh, ban công hoặc lô gia. Định mức kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất không gắn liền với nhà ở công vụ là 150 triệu đồng.
Cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí cho thuê nhà ở liền kề cấp IV có diện tích sử dụng từ 24 m2 đến 48 m2, được xây dựng theo kiểu nhà 01 tầng có nhiều căn nhà sát nhau, từng căn nhà có công trình phụ khép kín; định mức kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất cho nhà ở công vụ là 60 triệu đồng.
Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến 2030
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung đến năm 2030, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế...
Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 phê duyệt Đề án "Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030". Mục tiêu chung của Đề án nhằm hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau.
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến 2030
Ngày 8/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 10/7/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn đến hết năm 2025.
Mục tiêu đến năm 2025, VNPT trở thành Tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo, sở hữu và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia, là nhà sáng tạo tiên phong nghiên cứu làm chủ công nghệ số và cung cấp hệ sinh thái số trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, dựa trên thế mạnh về các nền tảng số, công nghệ lõi và an toàn an ninh mạng.
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại SCIC đến hết năm 2025
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 phê duyệt "Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2025".
Mục tiêu là cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo là doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh vốn theo quy định; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn vào doanh nghiệp, dự án theo cơ chế thị trường trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối hoặc các doanh nghiệp, dự án trong các ngành, lĩnh vực mà nhà nước không tiếp tục nắm giữ chi phối trong giai đoạn này nhưng có đóng góp quan trọng với chuỗi giá trị của SCIC như: công nghệ, thị trường, tài chính, nguồn thu cổ tức hằng năm, sử dụng nhiều lao động, có nhiều cơ sở đất đai,..; đồng thời, khai thác tốt các cơ hội đầu tư trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế…
Ý kiến ()