Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3/2025
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3/2025.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế) luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững cả về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan (gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau đây:
Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Các bộ, ngành, địa phương có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự"; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"...
Trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính
Theo Chỉ thị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ... nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và các dịch vụ công thuận lợi, nhanh chóng.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; trình Chính phủ bảo đảm kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo quy định để khắc phục triệt để các bất cập, vướng mắc hiện nay. Nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tài sản mã hóa, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả, trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, trình Chính phủ bảo đảm kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo quy định.
Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 về dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; báo cáo Chính phủ trong Quý II năm 2025.
Phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Về công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã ban hành; phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gần với các trung tâm mới (sân bay Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế); chủ động đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới (bán dẫn, chíp...), qua đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch được giao, đặc biệt ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược và các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án cho giai đoạn 2026 - 2030, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị, các cảng biển trung chuyển quốc tế...; đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tín dụng
Thủ tướng giao Bộ Tài chính có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện triệt để việc đơn giản hoá quy trình, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu áp dụng phương thức hậu kiểm để doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị ảnh hưởng về dòng tiền và hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên giữ ổn định lãi suất; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhưng phải phù hợp, hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...); kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt để mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp; đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ), các ngành, lĩnh vực mới nổi (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...).
Phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Theo Chỉ thị, phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp, phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tập trung quán triệt, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành, địa phương.
Phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 24/3/2025 phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 20.599,65 ha.
Xây dựng huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã loại IV trước năm 2030
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa những định hướng quy hoạch và chiến lược phát triển của quốc gia, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã loại IV trước năm 2030 theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại và bản sắc, có những bước đột phá nhằm đưa nền kinh tế của huyện phát triển bền vững; đến năm 2045 trở thành đô thị loại III, mang đặc trưng nổi bật về sự gắn kết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan.
Từng bước xây dựng đô thị Hiệp Hòa trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mới của tỉnh Bắc Giang và vùng Thủ đô Hà Nội, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây tỉnh Bắc Giang.
Hiệp Hòa lấy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị kết hợp dịch vụ làm trọng tâm
Đô thị Hiệp Hòa lấy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị kết hợp dịch vụ làm trọng tâm, tập trung vào 02 cực phát triển chính: Trung tâm hiện hữu (khu vực thị trấn Thắng hiện nay và vùng phụ cận) và trung tâm kinh tế phía Nam (vùng phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn, 02 khu logistic gắn với cảng Xuân Cẩm và Đông Lỗ - Tiên Sơn).
Hướng phát triển không gian chủ đạo của đô thị bám dọc theo các trục đường hướng tâm (ĐT 296, ĐT 288, ĐT 295, quốc lộ 37) và các tuyến đường vành đai.
Các khu vực phát triển đô thị bố trí theo từng cụm dải được phân tách bởi không gian nông nghiệp tạo thành "nêm" xanh và vành đai nông nghiệp bao bọc xung quanh; các vùng trũng ngập nước không xây dựng để làm vùng chứa nước ứng phó với biến đổi khí hậu và duy trì sản phẩm nông nghiệp.
Theo định hướng, đến năm 2030, khu vực nội thị gồm 10 đơn vị hành chính (Thắng, Bắc Lý, Hùng Thái, Thường Thắng, Danh Thắng, Lương Phong, Đoan Bái, Hương Lâm, Châu Minh, Mai Đình). Diện tích 10.745,94 ha, chiếm 52,17%.
Đến năm 2045, khu vực nội thị gồm 13 đơn vị hành chính (Thắng, Bắc Lý, Hùng Thái, Thường Thắng, Danh Thắng, Lương Phong, Đoan Bái, Hương Lâm, Châu Minh, Mai Đình và bổ sung thêm 03 đơn vị hành chính gồm: Đông Lỗ, Xuân Cẩm, Mai Trung). Diện tích 14.333,52 ha, chiếm 69,58%.
Hệ thống trung tâm hành chính - chính trị được phân làm 2 cấp:
+ Trung tâm hành chính cấp đô thị: Giữ nguyên vị trí hiện nay tại trung tâm thị trấn Thắng.
+ Trung tâm hành chính cấp xã: Quy hoạch xây dựng mới trụ sở hành chính kết hợp trụ sở công an, quân sự của các xã: Hoàng Vân, Ngọc Sơn, Hùng Thái, Thường Thắng, Xuân Cẩm, Hương Lâm, Đoan Bái, Toàn Thắng, Mai Đình; các xã, thị trấn còn lại giữ nguyên trụ sở tại vị trí hiện nay, có xem xét mở rộng thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế
Về công nghiệp: Giai đoạn đến năm 2030 cơ bản hình thành 04 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Giai đoạn đến năm 2045 mở rộng Khu công nghiệp Hòa Yên, Khu công nghiệp Minh Châu - Bắc Lý - Hương Lâm theo định hướng tầm nhìn đến năm 2050 đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Các ngành công nghiệp được xây dựng tại Hiệp Hòa là công nghiệp đa ngành, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp thế hệ mới, hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Nông - lâm - ngư nghiệp: Duy trì vùng đất nông nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy các vùng nông nghiệp đặc sản địa phương (vùng trồng rau cần và nuôi cá giống Hoàng Lương, vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng Thái Sơn, vùng trồng lạc Lương Phong, Ngọc Sơn, Danh Thắng). Chuyển đổi, đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2030, bổ sung mới vùng nông nghiệp công nghệ cao phía Đông Bắc và vùng chuyển đổi chức năng Trung tâm Thử nghiệm ô tô không thực hiện thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Du lịch: Phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái và du lịch trải nghiệm nông nghiệp và du lịch cộng đồng; xây dựng Công viên du lịch văn hóa - lịch sử núi Y Sơn (xã Sơn Thịnh); xây dựng Khu đô thị - dịch vụ - du lịch sinh thái Vườn Cò (thị trấn Bắc Lý và xã Đông Lỗ); phát triển du lịch văn hoá vùng ATK II, hệ thống chùa, đình đền, lăng mộ đá.
Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa và dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 24/3/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa và dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Cụ thể, về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp về tên gọi của dự thảo Nghị định.
Về quy định chi tiết Điều 6 Nghị quyết số 170/2024/QH15, Phó Thủ tướng thống nhất bám sát nguyên tắc quy định tại Điều 6 Nghị quyết để quy định thời điểm bản án có hiệu lực là thời điểm để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời rà soát để có quy định rõ thêm đối với trường hợp chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp của dự án có quyền, trách nhiệm liên quan nêu tại bản án.
Về giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đưa nguyên tắc lựa chọn pháp luật quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 170/2024/QH15 vào dự thảo Nghị định để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp liên quan.
Các địa phương khi thực hiện xong các phương án đặc biệt là liên quan đến định giá đất thì gửi ngay toàn bộ hồ sơ cho Kiểm toán Nhà nước để có ý kiến phối hợp nếu có.
Về dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Phó Thủ tướng cũng thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp về tên gọi của dự thảo Nghị định.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xác định, tính toán mức tỷ lệ 30% quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết đảm bảo rõ, cụ thể và dễ thực hiện; các quy định về lựa chọn các dự án vào Danh mục khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm đảm bảo công khai, minh bạch, khoa học, khách quan và công bằng.
Đối với các dự án đã thực hiện một phần các trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư thì cần quy định cho phép kế thừa, sử dụng các trình tự, thủ tục, hồ sơ đã thực hiện.
Về trường hợp đất của doanh nghiệp đã cổ phần hóa, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hết sức cân nhắc về sự cần thiết, cần đánh giá tác động.
Phó Thủ tướng yêu cầu dựa trên các ý kiến thống nhất tại cuộc họp, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan căn cứ phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình, khẩn trương triển khai thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, tránh đề nghị, chờ đợi hướng dẫn từ trung ương.
Phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 25/3/2025 phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á (Đề án).
Theo Quyết định, mục tiêu đặt ra là phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; là trung tâm xuất sắc về đào tạo, phát triển tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược (bao gồm các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn, chip, công nghệ số, robot và tự động hoá, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến...); đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Đến năm 2030, phấn đấu: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 85%, trong đó 30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, 10% là giảng viên, nhà khoa học uy tín đến từ nước ngoài; ít nhất 25% tổng số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh; đào tạo ít nhất 8.000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trong các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; trung bình mỗi giảng viên có 1,6 công bố khoa học/năm trong danh mục Web of Science, SCOPUS; toàn Đại học Bách khoa Hà Nội có số lượng sở hữu trí tuệ được công nhận trung bình đạt từ 25 đến 30 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích/năm; có từ 04 đến 06 nhóm ngành/ngành được xếp hạng trong tốp 300-500 khu vực, thế giới; có ít nhất 06 sản phẩm được thương mại hóa thành công từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm mạng lưới đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, ươm tạo ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), khởi nghiệp sáng tạo (start-up) gọi vốn thành công với tổng giá trị trên 10 triệu USD.
Đến năm 2045, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 100 trường hàng đầu châu Á lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ
Quyết định nêu rõ, định hướng đến năm 2035: Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo xuất sắc đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, được xếp hạng trong nhóm 100-150 khu vực châu Á theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.
Đến năm 2045: Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 100 trường hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có danh tiếng trong khu vực và thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở 2 Đại học Bách khoa Hà Nội tại tỉnh Hưng Yên
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được Quyết định đưa ra là mở rộng không gian Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất ngang tầm khu vực.
Cụ thể, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở 2, mở rộng diện tích và không gian phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội tại tỉnh Hưng Yên.
Hiện đại hóa, nâng cấp cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm tại trụ sở chính của Đại học Bách khoa Hà Nội trong Thành phố Hà Nội phục vụ đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ trọng điểm, then chốt.
Đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội và phát triển thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Hoàn thiện mô hình phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội theo hướng tự chủ, hiện đại
Bên cạnh đó, hoàn thiện mô hình phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội theo hướng tự chủ, hiện đại, hội nhập quốc tế thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ số.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo
Hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo môi trường nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp năng động. Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đại, gắn kết với mạng lưới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Kinh phí để triển khai Đề án được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng kinh phí để triển khai Đề án thực hiện theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước, về đầu tư công, về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Đề án. Tổng hợp kinh phí, chỉ đạo và hướng dẫn Đại học Bách khoa Hà Nội xây dụng các dự án, đề án để thực hiện các nhiệm vụ hiện đại hóa cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng mở rộng không gian phát triên Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hưng Yên.
Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ, đặt hàng theo các chương trình, dự án khoa học công nghệ để hỗ trợ nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi và phát triển sản
phẩm công nghệ của các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn thành phê duyệt Quy hoạch 1/500 và phát triển hạ tầng khuôn viên trụ sở chính Đại học Bách khoa Hà Nội trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội đầu tư xây dựng cơ sở 2, mở rộng không gian phát triển trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan./.
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/3/2025
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/3/2025
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 15-21/3/2025
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/3/2025 (1)
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/3/2025 (2)
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3/2025

Ý kiến ()