Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (1)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/02/2025 (1).
Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ có 18 đơn vị hành chính
Theo đó, Bộ Nội vụ có 18 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước gồm: 1- Vụ Tổ chức - Biên chế; 2- Vụ Chính quyền địa phương; 3- Vụ Công chức - Viên chức; 4- Vụ Tổ chức phi chính phủ; 5- Vụ Cải cách hành chính; 6- Vụ Công tác thanh niên và Bình đẳng giới; 7- Vụ Hợp tác quốc tế; 8- Vụ Tổ chức cán bộ; 9- Vụ Pháp chế; 10- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 11- Thanh tra Bộ; 12- Văn phòng Bộ; 13- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; 14- Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội; 15- Cục Việc làm; 16- Cục Quản lý lao động ngoài nước; 17- Cục Người có công; 18- Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
4 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: 1- Trung tâm Công nghệ thông tin; 2- Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động; 3- Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động; 4- Báo Dân trí.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ
Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động; hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; người có công; thanh niên; bình đẳng giới; văn thư, lưu trữ nhà nước; thi đua, khen thưởng và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện).
Thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát lại lần cuối các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.
Hướng dẫn việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; hướng dẫn xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp
luật.
Về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức hành chính và biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; trình Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.
Quyết định giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng cơ quan, tổ chức hành chính và hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền; quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các đề tài, đề án, chiến lược và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về: Tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm; bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức; đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn chức danh; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức (trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác); tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước và các nội dung quản lý khác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Trình Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, miễn nhiệm, bổ nhiệm thành viên Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê chuẩn theo quy định của pháp luật.
Quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ...
Về cải cách hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền quyết định chương trình, kế hoạch, đề án chung về cải cách hành chính nhà nước trong từng giai đoạn. Làm thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ.
Bộ Nội vụ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành, hướng dẫn phương pháp theo dõi, đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...
Về lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi, lao động là người khuyết tật, lao động là người giúp việc gia đình và một số lao động khác; hướng dẫn việc đăng ký và quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động theo quy định của pháp luật lao động; thực hiện nhiệm vụ đầu mối quốc gia về lĩnh vực lao động trong quá trình Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế; hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật về chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến cấp xã và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Về lĩnh vực việc làm, Bộ Nội vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; tuyển dụng và quản lý người lao động Việt Nam; thống nhất quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn và tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích, dự báo, công bố các thông tin thị trường lao động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách ngoài các thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; ban hành quy chế quản lý, khai thác sử dụng và phổ biến thông tin thị trường lao động; hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
Về lĩnh vực người có công, Bộ Nội vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; xây dựng chế độ, định mức, phương thức trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với người có công với cách mạng; quy định việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, xây dựng phương án xác định các công trình ghi công liệt sĩ trong quy hoạch có liên quan; hướng dẫn, chỉ đạo công tác tiếp nhận hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thông tin về mộ liệt sĩ...
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025.
Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2025/NĐ-CP ngày 24/2/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng) và các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Tổ chức Chính phủ, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Ngân hàng Nhà nước đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hằng năm và dài hạn; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước quản lý.
Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước quản lý hoặc theo phân công.
Ban hành thông tư và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển đã được ban hành hoặc phê duyệt thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm: Tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Tổ chức thống kê, điều tra thống kê, thu thập và lưu trữ thông tin về kinh tế, tài chính, tiền tệ và ngân hàng trong nước và ngoài nước thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện công tác phân tích và dự báo về tiền tệ và ngân hàng; công khai thông tin về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho tổ chức không phải là ngân hàng; cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng (giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng) cho các tổ chức; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đối với chương trình, dự án tài chính vi mô; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, gồm: mua cổ phần của tổ chức tín dụng; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng; đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về phá sản đối với tổ chức tín dụng.
Chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng; chấp thuận những thay đổi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động phòng, chống rửa tiền; kiểm soát tín dụng; có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng phải thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
Chủ trì lập, theo dõi, dự báo và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế; báo cáo tình hình thực hiện cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam theo quy định của pháp luật; làm đầu mối cung cấp số liệu cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam cho các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tham gia tổ chức và giám sát sự vận hành của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế; quản lý các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.
Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng.
Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối theo quy định của pháp luật; tham gia, triển khai thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính.
Thực hiện các nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương.
Thực hiện cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức hệ thống thông tin tín dụng và cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; phân tích xếp hạng tín dụng pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
Làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước.
Tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.
Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước; tổ chức thực hiện theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật...
Cơ cấu tổ chức
Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước gồm:
1. Vụ Chính sách tiền tệ.
2. Vụ Thanh toán.
3. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
4. Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính.
5. Vụ Hợp tác quốc tế.
6. Vụ Pháp chế.
7. Vụ Tài chính - Kế toán.
8. Vụ Tổ chức cán bộ.
9. Văn phòng.
10. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
11. Sở Giao dịch.
12. Cục Công nghệ thông tin.
13. Cục Phát hành và kho quỹ.
14. Cục Quản lý ngoại hối.
15. Cục Phòng, chống rửa tiền.
16. Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng.
17. Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
18. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các Khu vực (Ngân hàng Nhà nước Khu vực).
19. Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
20. Thời báo Ngân hàng.
Các đơn vị quy định từ 1 đến 18 là tổ chức hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương; các đơn vị quy định tại 19 và 20 là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng. Vụ Thanh toán có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 24/2/2025 phân công Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ các Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về đôn đốc triển khai thực hiện các kịch bản tăng trưởng đã được Chính phủ giao cho các địa phương; xử lý, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Theo phân công, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm việc với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long sẽ làm việc với tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm việc với tỉnh Kom Tum và Gia Lai.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm việc với 3 tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm việc với 3 tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang làm việc với tỉnh Thái Nguyên và Hà Tĩnh.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang làm việc với thành phố Đà Nẵng và Hưng Yên.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm việc với 3 địa phương: Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng làm việc với tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm việc với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Sơn La.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh làm việc với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy làm việc với 3 tỉnh Hải Dương, Lai Châu và Điện Biên.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc - Tôn giáo Đào Ngọc Dung làm việc với 3 tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm việc với tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm việc với 3 địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc với tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong làm việc với 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Bắc Kạn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm việc với tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Về thời gian thực hiện nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Thành viên Chính phủ chủ động xây dựng kế hoạch công tác để tiếp tục đôn đốc, làm việc với các địa phương định kỳ hàng quý (hoặc khi cần thiết), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về nội dung, kết quả làm việc.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Thành viên Chính phủ được giao chủ trì làm việc với địa phương thực hiện theo Điều 3 Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.

Nghị định này quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Chứng thư chữ ký điện tử
Nghị định nêu rõ, chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau:
- Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp cho mình tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
- Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy, bao gồm: chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
- Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
- Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
Nội dung của chứng thư chữ ký điện tử
Nội dung chứng thư chữ ký điện tử bao gồm: 1- Thông tin về cơ quan, tổ chức tạo lập chứng thư chữ ký điện tử; 2- Thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp chứng thư chữ ký điện tử, bao gồm tên cơ quan, tổ chức, cá nhân; mã/số định danh của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp chứng thư chữ ký điện tử và các thông tin cần thiết khác (nếu có); 3- Số hiệu của chứng thư chữ ký điện tử; 4- Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử; 5- Dữ liệu để kiểm tra chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp chứng thư chữ ký điện tử; 6- Chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức tạo lập chứng thư chữ ký điện tử; 7- Mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký điện tử; 8- Trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức cấp chứng thư chữ ký điện tử.
Nội dung của chứng thư chữ ký số
Theo nghị định, nội dung chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia bao gồm: Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia; số hiệu chứng thư chữ ký số; thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số; khóa công khai của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia; chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia; mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký số; trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia; thuật toán khóa không đối xứng.
Nội dung chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ bao gồm: Tên của tổ chức cấp chứng thư chữ ký số; tên của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; số hiệu chứng thư chữ ký số; thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số; khóa công khai của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; chữ ký số của tổ chức cấp chứng thư chữ ký số; mục đích, phạm vi sử dụng của chửng thư chữ ký số; trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; thuật toán khóa không đối xứng.
Nội dung của chứng thư chữ ký số công cộng bao gồm: Tên của tổ chức phát hành chứng thư chữ ký số; tên của thuê bao; số hiệu chứng thư chữ ký số; thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số; khóa công khai của thuê bao; chữ ký số của tổ chức phát hành chứng thư chữ ký số; mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư chữ ký số; trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; thuật toán khóa không đối xứng.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký số
Theo Nghị định, thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là 25 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy được quy định như sau: Chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu có hiệu lực tối đa là 05 năm; chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có hiệu lực tối đa là 10 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số công cộng tối đa là 03 năm.
Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng trong trường hợp chữ ký điện tử chuyên dùng được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là 10 năm.
Định dạng chứng thư chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký số
Nghị định nêu rõ, khi cấp, phát hành chứng thư chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký số, cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng, các tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy phải tuân thủ quy định về định dạng chứng thư chữ ký điện tử, định dạng chứng thư chữ ký số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn
Theo nghị định, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.
Chữ ký điện tử chuyên dùng được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức tạo lập được xem là đáp ứng đủ các yêu cầu tại khoản 2 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.
Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bao gồm: Hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức tạo lập; hoạt động chuyên ngành hoặc lĩnh vực, có cùng tính chất hoạt động hoặc mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, hình thức liên kết, hoạt động chung; hoạt động đại diện cho chính cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn để giao dịch với tổ chức, cá nhân khác.
Cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn theo quy định.
Chữ ký số
Theo nghị định, chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng, được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng và đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.
Nghị định nêu rõ, tất cả các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp đều có quyền được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số. Chứng thư chữ ký số cấp cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.
Sử dụng chữ ký số và chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức
Theo Nghị định, chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số theo quy định trên chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch và các hoạt động theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số.
Việc ký thay, ký thừa lệnh theo quy định của pháp luật thực hiện bởi người được giao, ủy quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký số ghi trên chứng thư chữ ký số.
Yêu cầu đối với phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số
Phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số trên thông điệp dữ liệu; không sử dụng rào cản kỹ thuật, công nghệ để hạn chế việc kiểm tra hiệu lực chữ ký số.
Đối với phần mềm ký số phải có chức năng sau: Chức năng xác thực chủ thể ký và ký số; chức năng kiểm tra hiệu lực của chứng thư chữ ký số trong đó thông tin trong chứng thư chữ ký số đã bảo đảm được định danh theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện tử; chức năng kết nối với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; chức năng lưu trữ và hủy bỏ các thông tin kèm theo thông điệp dữ liệu ký số; chức năng thay đổi (thêm, bớt) chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức tạo lập cấp, phát hành chứng thư chữ ký số; chức năng thông báo (bằng chữ/bằng ký hiệu) cho người ký số biết việc ký số vào thông điệp dữ liệu thành công hay không thành công.
Đối với phần mềm kiểm tra chữ ký số phải có chức năng sau: Chức năng kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số trên thông điệp dữ liệu; chức năng lưu trữ và hủy bỏ các thông tin kèm theo thông điệp dữ liệu ký số; chức năng thay đổi (thêm, bớt) chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức tạo lập cấp, phát hành chứng thư chữ ký số; chức năng thông báo (bằng chữ/bằng ký hiệu) việc kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số là hợp lệ hay không hợp lệ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định yêu cầu kỹ thuật đối với chức năng phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.
Công nhận 2 huyện thoát nghèo, 2 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 24/2/2025 công nhận 02 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 thuộc tỉnh Khánh Hòa thoát nghèo năm 2025 và 02 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 thuộc tỉnh Khánh Hòa, thành phố Huế thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024.
Cụ thể, Quyết định số 389/QĐ-TTg công nhận 02 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 thuộc tỉnh Khánh Hòa (huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh) thoát nghèo năm 2025 và đưa 2 huyện này ra khỏi Danh sách huyện nghèo tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, Quyết định số 389/QĐ-TTg công nhận 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 (xã Vạn Thạnh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và xã Lộc Bình thuộc huyện Phú Lộc, thành phố Huế) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024 và đưa 2 xã trên ra khỏi Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.
Quyết định giao UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND thành phố Huế công bố Quyết định này.
Đối với 02 huyện được công nhận thoát nghèo năm 2025, UBND tỉnh Khánh Hòa ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của 02 huyện thoát nghèo phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm tính bền vững; chỉ đạo UBND 02 huyện tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo theo quy định, duy trì, nâng cao chất lượng và kết quả đạt được của các tiêu chí xác định huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025, chú trọng tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện và thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện để bảo đảm tính bền vững sau khi thoát nghèo.
Đối với 02 xã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND thành phố Huế ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương theo quy định để tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, liên xã phục vụ dân sinh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các xã; duy trì, nâng cao chất lượng và kết quả đạt được của các tiêu chí đánh giá xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, chú trọng tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo, cơ sở hạ tầng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh để bảo đảm tính bền vững sau khi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND thành phố Huế chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của thông tin, số liệu, nội dung báo cáo và việc thực hiện các giải pháp cam kết đề xuất công nhận huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa thoát nghèo năm 2025 và công nhận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh thuộc tỉnh Khánh Hòa, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc thuộc thành phố Huế thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024.
Bổ nhiệm Tư lệnh và Chính ủy Quân khu, Bộ Quốc phòng
Ngày 24/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định bổ nhiệm Tư lệnh và Chính ủy Quân khu 3, 5, 7, Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, tại Quyết định số 386/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Lê Ngọc Hải, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5, Bộ Quốc phòng giữ chức Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Quốc phòng.
Tại Quyết định số 385/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Phó Chính ủy Quân khu 7, Bộ Quốc phòng giữ chức Chính ủy Quân khu 7, Bộ Quốc phòng.
Tại Quyết định số 388/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12, Bộ Quốc phòng giữ chức Chính ủy Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.
Các Quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 24/2/2025./.

Ý kiến ()