Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2025
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2025.

Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2025
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2025/NĐ-CP ngày 2/4/2025 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025.
Đối tượng được gia hạn
Điều 3 Nghị định số 82/2025/NĐ-CP quy định cụ thể đối tượng được gia hạn gồm:
1- Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
Xây dựng; thoát nước và xử lý nước thải.
Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc.
Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng).
Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị.
2- Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:
Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản.
Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.
Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim.
Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin.
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.
Danh mục ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Phân ngành kinh tế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg gồm 5 cấp và việc xác định ngành kinh tế được áp dụng theo nguyên tắc: Trường hợp tên ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên thuộc ngành cấp 1 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 2, cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 1; trường hợp thuộc ngành cấp 2 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 2; trường hợp thuộc ngành cấp 3 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 3; trường hợp thuộc ngành cấp 4 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 5 của ngành cấp 4.
3- Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
4- Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 nêu trên là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2024 hoặc 2025.
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu)
a- Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2025 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý I năm 2025, quý II năm 2025 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định này. Thời gian gia hạn là 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 2, tháng 3 năm 2025 và quý I năm 2025, thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2025 và quý II năm 2025. Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế giá trị gia tăng đã kê khai. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau:
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 2 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 9 năm 2025. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2025. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2025.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2025. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2025. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý I năm 2025 chậm nhất là ngày 31 tháng 10 năm 2025. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý II năm 2025 chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2025.
b- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định này có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng.
Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I và quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại Điều 3 Nghị định này. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định này có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phải nộp phát sinh năm 2025 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất
Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2025 (số phải nộp kỳ thứ nhất năm 2025) của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định này đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2025.
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều Quyết định, Hợp đồng thuê đất trực tiếp của nhà nước và có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định này thì: Doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn toàn bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo hướng dẫn tại Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (2/4/2025) đến hết ngày 31/12/2025. Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được thực hiện theo quy định hiện hành.
Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2025/NĐ-CP ngày 2/4/2025 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 2, 3, 4, 5, 6 năm 2025
Nghị định nêu rõ: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2025 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2025, cụ thể như sau:
a) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 02 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2025.
b) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2025.
c) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2025.
d) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2025.
đ) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2025 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2025.
Quy định đối với một số trường hợp:
Nghị định nêu rõ: Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa phải nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đã kê khai trong thời gian được gia hạn.
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trình tự, thủ tục gia hạn
Nghị định quy định người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng phương thức điện tử hoặc gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thì thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2025, cơ quan thuế vẫn thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định này.
Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.
Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn. Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị định số 81/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2 tháng 4 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025. Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 149/TB-VPCP ngày 2/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, là cửa ngõ, cầu nối giữa các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng với nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực, đoàn kết và khát vọng vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năng động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm qua (giai đoạn 2021 - 2025), tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, đạt và vượt 24/29 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Trong năm 2024, tỉnh đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Là 01 trong 6 tỉnh, thành phố không còn nhà tạm, nhà dột nát theo Chương trình phát động của Trung ương. Tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng theo hướng rất tích cực, phấn đấu GRDP tăng 10-11% (cao hơn 2% so với mục tiêu Chính phủ giao là 9%).
Các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng, tập trung phát triển. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 ước còn 0,3%. Chất lượng giáo dục được đánh giá nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, công tác khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập người dân năm sau cao hơn năm trước...
Những kết quả đạt được của Vĩnh Phúc đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, Tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh rất tốt so với các địa phương khác, nhưng phát triển chưa tương xứng trên tất cả các lĩnh vực. Công nghiệp Vĩnh Phúc chuyển đổi, phát triển nhanh nhưng chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số ngành như sản xuất, lắp ráp ô tô. Tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn thấp; thu ngân sách chủ yếu vẫn dựa vào một số doanh nghiệp FDI. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố...
Vĩnh Phúc phấn đấu tiên phong, đổi mới mạnh mẽ trong phát huy tự lực, tự cường, tự chủ
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới cần tập trung quyết liệt triển khai, bảo đảm tiến độ sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp địa giới hành chính theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, không để ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính trị, công việc. Đẩy mạnh hơn nữa triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thông qua những kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể.
Vĩnh Phúc phải tiên phong, đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong phát huy tự lực, tự cường, tự chủ; phát triển nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, biến giá trị văn hóa, sức mạnh nội sinh thành nguồn lực phát triển; phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, cơ quan.
Tỉnh phải xây dựng chương trình, kế hoạch để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng theo chỉ tiêu Chính phủ giao, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Cần triển khai các công việc với tinh thần '3 có và 2 không': '3 có' là có lợi cho đất nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; '2 không' là không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân, tài nguyên của đất nước.
Đồng thời, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, đặc biệt là thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực, ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…
Đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước
Tỉnh phải đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để phát triển nhanh và bền vững, có thể ứng phó kịp thời với tình hình khi một số ngành nào đó gặp khó khăn. Đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước. Chuyển từ gia công, lắp ráp sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh phải chủ động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát huy tinh thần học tập suốt đời; chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe cho người dân, cơ sở dữ liệu về học sinh, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa… Bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân năm sau cao hơn năm trước. Giải quyết vấn đề chênh lệch giữa GRDP/người và thu nhập bình quân đầu người để người dân Vĩnh Phúc được hưởng nhiều hơn các thành quả từ phát triển kinh tế.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Tích cực, chủ động cắt giảm thủ tục hành chính (ít nhất là 30%), tạo điều kiện, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đột phá về thể chế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trung tâm dịch vụ hành chính công theo cơ chế một cửa.
Đẩy mạnh huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông, logistics và các dự án công nghiệp trọng điểm; xây dựng các mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư", "đầu tư công, quản lý tư", "đầu tư tư, sử dụng công"... Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, trực tiếp và gián tiếp; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho tăng trưởng. Phát triển Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thế hệ mới trong đó có công nghiệp, khu đô thị, thương mại - dịch vụ, công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.… Đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao xây dựng 28.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, bảo đảm công khai, minh bạch, hỗ trợ hiệu quả cho người mua, thuê mua nhà.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó xây dựng lực lượng vũ trang quốc phòng, an ninh vững mạnh, tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, tiến lên hiện đại. Chú trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Đồng thời, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tuân thủ nghiêm và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, đặc biệt là không ngừng củng cố, phát huy đoàn kết, thống nhất và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tích cực chủ động triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Trung ương.
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 151/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang.
Về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2025, tỉnh Hậu Giang đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị hiệu quả kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Tình hình kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả tích cực, trong đó: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 10,82%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,15%; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; phòng, chống hạn mặn được kiểm soát; tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 11.906 tỷ đồng, tăng 19,79%. Tỉnh có 159 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 15% với tổng vốn đăng ký 657 tỷ đồng, tăng 37%. Tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 6,06%.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế của Hậu Giang còn nhỏ, chủ yếu phát triển về nông nghiệp; kết quả thu hút đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực, uy tín sẵn sàng đầu tư vào tỉnh vẫn còn hạn chế; giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến làm tăng chi phí thực hiện dự án.
Đối với tỉnh Kiên Giang, tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 20% so với cùng kỳ. Thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng chống hạn mặn, điều tiết nguồn nước để bảo vệ và phục vụ cho sản xuất. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 23,8%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 12.407,35 tỷ đồng, tăng 15,32%; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 49.962 tấn, tăng 23,4%; không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,64%; tổng lượt khách đến tham quan du lịch tăng 13,7% (trong đó tại thành phố Phú Quốc tăng 25,1%).
Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Kiên Giang ở vị trí có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông bờ biển, hạn hán xâm nhập mặn, để đạt được mức tăng trưởng cao địa phương cần xác định rõ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra. Một số ngành sản xuất gặp khó khăn do giá đầu vào tăng cao và thị trường tiêu thụ chậm. Thời tiết diễn biến bất thường, mưa trái mùa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Nhiều dự án tồn đọng, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm liên quan đến thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm cuối.
Hậu Giang xây dựng kịch bản tăng trưởng cao hơn mục tiêu Chính phủ giao
Về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh Hậu Giang: Tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2024 đạt 8,76% (đứng thứ 15/63 địa phương). Tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 cho Hậu Giang là 8,8%, Tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cao hơn là 10,14% (trong đó: khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 3,38%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 17,71%, khu vực III (dịch vụ) tăng 7,84%).
Về giải ngân vốn đầu tư công: Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước là 4.939,052 tỷ đồng, đến nay, Tỉnh đã cơ bản phân bổ chi tiết hết số vốn đã giao. Tính đến hết tháng 2 năm 2025, số vốn giải ngân đạt 11% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước.
Về phát triển nhà ở xã hội: Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2021 - 2030 là 1.400 căn hộ (trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 700 căn hộ). Hiện đã hoàn thành198 căn; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện phấn đấu đến năm 2030 xây dựng 1.572 căn nhà ở xã hội.
Về xóa nhà tạm, nhà dột nát: Tổng số 1.475 hộ đề nghị hỗ trợ nhà ở (xây dựng mới 829 hộ và sửa chữa là 646 hộ). Tính đến hết ngày 18 tháng 3 năm 2025, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng được 1.068/1.475 căn, đạt tỷ lệ 72,41%.
Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Năm 2023, Hậu Giang có 3 chỉ số tăng hạng như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp hạng 19/63 địa phương (tăng 1 bậc); Chỉ số hài lòng (SIPAS) xếp hạng 29/63 (tăng 4 bậc); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 9/63 (tăng 4 bậc).
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2025 triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9 tháng 01 năm 2025 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kiên Giang phấn đấu tăng trưởng khu vực I tăng 3,78%, khu vực II tăng 11,89%, khu vực III tăng 10,24%
Về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh Kiên Giang: Tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2024 đạt 7,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 cho Kiên Giang là 8%, Tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng trong đó: khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 3,78%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 11,89%, khu vực III (dịch vụ) tăng 10,24%.
Về giải ngân vốn đầu tư công: Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước là 8.617,498, đến nay, Kiên Giang đã cơ bản phân bổ chi tiết hết số vốn đã giao. Tính đến hết tháng 2 năm 2025, số vốn giải ngân đạt 7,65% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước.
Về phát triển nhà ở xã hội: Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao giai đoạn 2021 - 2030 là 3.500 căn hộ, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 1.700 căn hộ, hiện đã hoàn thành 1.011 căn, đạt 59,5% kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2025, sẽ tổ chức khởi công 2.406 căn.
Về xóa nhà tạm, nhà dột nát: Mục tiêu đến hết năm 2025 hỗ trợ cất mới 2.314 căn, sửa chữa 485 căn; đã khởi công xây dựng mới 920/2.314 căn, đạt 39,76% (hoàn thành và bàn giao 567 căn, đạt 31,63%), khởi công sửa chữa 326/485 căn, đạt 67,22% (hoàn thành và bàn giao 90 căn, đạt 27,61%). Tổng kinh phí hoàn thành là 153,39 tỷ đồng.
Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Năm 2023, Kiên Giang có 4 chỉ số tăng hạng như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp hạng 40/63 địa phương (tăng 1 bậc); Chỉ số hài lòng (SIPAS) xếp hạng 17/63 (tăng 7 bậc); Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp hạng 56/63 (tăng 1 bậc); Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp hạng 44/63 (tăng 9 bậc).
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết số 82-NQ/TU ngày 27/2/2025 về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2025 triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9 tháng 01 năm 2025 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và đạt được kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào kết quả chung của cả nước trong những tháng đầu năm 2025.
Đẩy nhanh cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, xây dựng nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát, các chương trình mục tiêu quốc gia, đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đã đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 2 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang tập trung quyết liệt sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp địa giới hành chính theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; chú trọng thế mạnh nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long để tăng tỷ lệ tăng trưởng của khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản); xác định cụ thể nguồn lực xã hội, kinh phí nhà nước, phần tăng thu của địa phương, yếu tố tăng năng suất, các dự án mới để tăng tính khả thi trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng.
Đồng thời, tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công, vừa tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng, vừa đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài (đầu tư nước ngoài trực tiếp và đầu tư nước ngoài gián tiếp). Phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thống kê, phân loại, rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của từng dự án, giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo nguồn lực, dư địa cho phát triển; chủ động làm việc với các bộ, cơ quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Nghiên cứu, bám sát, cập nhật các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để kịp thời điều chỉnh phù hợp trong xây dựng chính sách, triển khai thực hiện tại địa phương. Chủ động tham mưu, đề xuất với các bộ, cơ quan trung ương, cấp có thẩm quyền phương hướng xử lý đối với những cơ chế, chính sách bất cập, vướng mắc, hạn chế khi triển khai trong thực tiễn.
Đẩy mạnh hơn nữa xóa nhà tạm, nhà dột nát. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030, bảo đảm công khai, minh bạch, hỗ trợ hiệu quả cho người mua nhà, thuê nhà./.
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 02/4/2025
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2025 (1)
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2025 (2)
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 3/2025
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2025 (2)

Ý kiến ()