Chi bộ thôn Thống Nhất: Điển hình “dân vận khéo” phát triển kinh tế
– Những năm qua, phong trào “dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện Hữu Lũng, qua đó xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực. Một trong số đó là mô hình “dân vận khéo” phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân của Chi bộ thôn Thống Nhất, xã Thanh Sơn.
Trước đây, thôn Thống Nhất là vùng đất khô cằn, nhiều đất đồi bỏ hoang, sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân thấp và không ổn định. Trước thực tế đó, Chi bộ thôn xác định: Muốn nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy vai trò chủ thể của người dân, trong đó, công tác dân vận phải đi trước một bước. Theo đó, năm 2014, Chi bộ thôn đã vận động người dân tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, trong đó chú trọng phát triển kinh tế rừng.
Người dân thôn Thống Nhất chăm sóc rừng bạch đàn
Ông Sầm Ngọc Vang, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất cho biết: Để vận động người dân có hiệu quả, chi bộ thôn đã phân công đảng viên, tổ chức đoàn thể và những người có uy tín trong thôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng. Mỗi đảng viên phụ trách 5 đến 10 hộ, vận động ít nhất 50% số hộ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Theo đó, các đảng viên đã “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả. Hằng năm, chi bộ thôn vận động người dân tham gia từ 2 đến 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức. Qua đó, người dân dần nắm được kỹ thuật thâm canh, trồng các loại cây có khả năng sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, hằng năm, chi bộ thôn đã tiến hành rà soát các hộ nghèo, cận nghèo để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn vay. Đến nay, thôn đã có 107 lượt hộ được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đạt gần 4,7 tỷ đồng (đây là thôn có dư nợ lớn nhất toàn xã). Trong đó có 85% hộ vay vốn để đầu tư trồng rừng và đa phần các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Thôn hiện có hơn 200 ha rừng, trong đó, khoảng 80% diện tích đến tuổi cho thu hoạch (đây là thôn có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất toàn xã), chủ yếu là bạch đàn và keo. Với diện tích trồng rừng của mỗi hộ từ 2 đến 7 ha, nhiều hộ đã có thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/năm.
Bà Lý Thị Chiều, người dân trong thôn phấn khởi cho biết: Trong lúc khó khăn, tôi được đảng viên trong thôn tuyên truyền về chương trình cho vay hộ nghèo tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, năm 2015, tôi đã làm hồ sơ vay 30 triệu đồng để trồng và chăm sóc 2 ha rừng bạch đàn. Năm 2021, rừng đến tuổi cho khai thác đem lại thu nhập 80 triệu đồng. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, tôi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để chăm sóc rừng.
Không chỉ gia đình bà Chiều, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thôn đã phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ/năm. Tiêu biểu như hộ các ông: Sầm Văn Héo, Nông Văn Việt, Sầm Văn Khởi (mô hình trồng rừng); hộ Nông Văn Duy (mô hình chăn nuôi thỏ); hộ Sầm Văn Tăng, Hoàng Văn Niệm (mô hình chăn nuôi dê)….
Số hộ nghèo của thôn đã giảm từ 50 hộ xuống còn 19 hộ, thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Trong 3 năm gần đây, chi bộ thôn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, thôn được công nhận là khu dân cư văn hóa.
Ông Sầm Văn Thao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn nhận xét: Thống Nhất là thôn tiêu biểu trong việc triển khai hiệu quả phong trào dân vận khéo trên địa bàn xã. Chi bộ thôn đã phát huy nội lực và có bước phát triển về kinh tế mạnh mẽ. Chi bộ đã phát huy vai trò hạt nhân, bám sát tình hình cơ sở để thực hiện tốt công tác dân vận khéo trong mọi lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế, góp phần làm nên diện mạo mới khang trang, giàu đẹp cho quê hương.
Ý kiến ()