Chủ nhật, 24/11/2024 06:45 [(GMT +7)]
"Chị ba lô" và khát vọng na sạch
Thứ 4, 16/06/2010 | 09:01:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Người ta quen gọi chị là “chị ba lô” bởi chị có công tìm ra tên một loại bọ xít lạ trên lưng có cái u như đeo chiếc ba lô. Với vùng na Chi Lăng, những con bọ ba lô đã một thời là sát thủ hại các vườn na, nhưng nay thì đã khác, qua kết quả nghiên cứu của mình chị Hoàng Thị Dung đã cứu vườn na bằng những biện pháp tiền ít hiệu quả cao.
Câu chuyện của chị Hoàng Thị Dung, Nguyên Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chi Lăng được chúng tôi biết đến từ năm 2007, khi ấy ở Chi Lăng xuất hiện một loại bọ xít nhỏ xíu như con rệp. Chúng bay thành từng đàn, cứ mỗi độ na trổ hoa chúng lại bay về, và chỉ trong vài ngày những quả na mới nhú bằng ngón tay đứa trẻ lên ba bị chúng châm, chích. Chỉ vài giờ sau, quả na thâm lại và vài ngày sau nó rụng trơ cả cuống. Có những vườn na bị bọ ba lô hại đến mức mất cả thu hoạch. Vùng trọng điểm na 5 xã, thị trấn là thị trấn Chi Lăng, xã Thượng Cường, Quang Lang, Chi Lăng, Mai Sao bị giảm năng suất đáng kể. Cũng vào thời điểm ấy, người dân thị trấn Đồng Mỏ thường bắt gặp một phụ nữ nhỏ thó, nụ cười lành như thôn nữ, dáng đi lúc nào cũng vội, trên tay thì khư khư chiếc nón lá và chai lọ đựng mẫu sâu bệnh cùng cả tập giấy ghi chép. Người chưa biết chị dễ nhầm là “bà tổ trưởng phụ nữ quê” còn người đã quen thì gọi chị với cái tên rất trìu mến, “chị ba lô”.
Chị Hoàng Thị Dung kiểm tra dữ liệu về bọ ba lô |
Tốt nghiệp Trường nông nghiệp III năm 1980, chị Hoàng Thị Dung được phân công công tác về đúng quê chị và làm cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật. Từ đó công việc của chị là ra đồng cùng nông dân, đếm từng con sâu, đo từng cây mạ, thậm chí nếm cả nước xem độ chua mặn. Cứ thế chị là bạn của những người nông dân một nắng hai sương trên đồng. Những năm sau đó, khi Chi Lăng rộ lên phong trào trồng na thì chị gắn bó với cây na. Chị tư vấn cho nông dân cách dùng thuốc, phát hiện những con sâu lạ để tìm cách phòng trừ. Bắt đầu từ năm 2007, Chi Lăng xuất hiện những con bọ ba lô phá hoại na. Người dân được cán bộ trạm hướng dẫn cách đánh bắt, nhưng diệt trừ chẳng được bao nhiêu mà lại hao công tốn của. Bọ ba lô sống rất dai, sinh trưởng nhanh và cực kỳ độc hại với cây na. Có những vườn sau một ngày bị chích, na từ xanh mơn mởn hoá thành héo úa, đến mùa không cho thu hoạch làm người trồng na xót xa. Không thể đứng yên nhìn bọ ba lô tàn phá, chị bắt đầu nghiên cứu nó. Công việc của chị được cấp trên, các thầy đầu ngành Trường Đại học Nông nghiệp tận tình giúp đỡ. Chẳng bao lâu, chị đã tìm ra quy luật của bọ ba lô là đẻ trứng vào các mầm cây na, trứng tầm 207 ngày thì nở. Sau thời gian ngủ đông của sâu, nở đúng vào vụ ra lộc vì thế chúng mặc sức hút dinh dưỡng từ quả na. Trứng sâu nở đều, lớn nhanh, những con trưởng thành trên lưng đều xuất hiện một cục trông y như chiếc ba lô con cóc. Chưa tìm được tên khoa học nên chị cứ gọi theo hình dáng của nó. Từ nghiên cứu quy luật, chị cho ra đáp số cách giải quyết tốt nhất không tốn kém là khi thu hoạch cắt luôn cành để loại bỏ trứng. Cách này vừa đơn giản vừa hiệu quả vì sâu bệnh không còn khả năng sống ký sinh trên cây. Cũng qua nghiên cứu đặc tính của bọ ba lô chị đã hướng dẫn nhân dân dùng thuốc Ha ta pha để phun trừ. Cách này vừa rẻ tiền nhưng hiệu quả cũng khá cao. Vậy là từ năm 2008, người dân Chi Lăng không còn phải lo bọ ba lô nữa. Cũng từ đó chị tiếp tục nghiên cứu về bọ ba lô trên cơ sở giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà khoa học, bọ ba lô đã được gọi tên chính xác nó thuộc gống Pseudodoniella, bộ cánh cứng, lớp côn trùng Insecta. Mà đã biết đích xác thì cách diệt trừ không còn là ẩn số. Cũng từ đó mối lo của người trồng na đã được giải toả.
Khi tôi có ý định viết bọ ba lô chị “khoe”, ngày mai, hội đồng thẩm định sẽ thẩm định kết quả nghiên cứu, tiếp đó là đăng ký bản quyền, trình các cấp công nhận đề tài. Cũng qua 2 năm nghiên cứu bọ ba lô, say sưa đến mức mà người dân gắn cho chị hẳn cái tên ngồ ngộ như đã kể trên. Bọ ba lô đã không còn là mối lo của người trồng na. Lớn lao thế, ý nghĩa thế nhưng khi chia tay chị cứ nhất mực: “Chú đừng viết báo, chị đã làm được gì đâu”. Và chị cười vẫn nụ cười hiền lành của cô thôn nữ.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()