Chênh vênh đường cao thế
LSO-Nếu các vị trí cột 126- 129- 151 lộ cao thế 110kV Lạng Sơn- Cao Bằng xảy ra sự cố lún sụt, thì không chỉ ảnh hưởng tới việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà còn gây mất điện trên diện rộng tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh.
LSO-Nếu các vị trí cột 126- 129- 151 lộ cao thế 110kV Lạng Sơn- Cao Bằng xảy ra sự cố lún sụt, thì không chỉ ảnh hưởng tới việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà còn gây mất điện trên diện rộng tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh. Ông Triệu Đức Cường, Kỹ thuật viên an toàn, Chi nhánh Lưới điện cao thế Lạng Sơn khẳng định.
Vị trí cột 151 nằm chênh vênh cách mặt đường 42 m |
Ông Ngô Quang Tuyên, Giám đốc Chi nhánh Lưới điện cao thế Lạng Sơn cho biết: do có nhiệm vụ cung ứng điện cho Công ty Điện lực Lạng Sơn kinh doanh bán điện, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nên chi nhánh đặc biệt chú trọng đến vấn đề quản lý, vận hành an toàn, ổn định hệ thống lưới điện 110kV đã được giao. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay, tuyến cao thế 110kV, lộ Lạng Sơn- Cao Bằng đang có nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được các ngành chức năng liên quan xử lý kịp thời.
Theo ông Tuyên, tuyến đường dây 110kV Lạng Sơn- Cao Bằng được khởi công xây dựng từ năm 2006 và được đưa vào sử dụng từ 1/2012, góp phần tăng khả năng cung cấp điện ổn định trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, quốc lộ 4A cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp, cải tạo với khối lượng san lấp lớn. Do vậy, đã ảnh hưởng lớn, gây mất an toàn tại 3 vị trí cột 126- 129- 151 đường dây 110kV Lạng Sơn- Cao Bằng (nằm trên địa bàn các xã Tân Việt (Văn Lãng) và Hùng Việt (Tràng Định). Cụ thể, tại vị trí cột 126 và 129 nằm trên địa bàn xã Tân Việt hiện đã bị đơn vị thi công san ủi, gạt sát vào chân cột tạo thành mái ta luy dựng đứng, tạo góc 90o với mặt đường, có chiều cao từ mặt đường đến mái taluy là 12- 15m, từ chân cột cao thế đến mái taluy là 9m; tại vị trí cột 151 nằm trên xã Hùng Việt, mái ta luy chỉ cách chân cột 7m, chiều cao từ chân taluy tới mái taluy là 42,3m.
Ông Vũ Hữu Tưởng, Đội trưởng Đội đường dây, Chi nhánh Lưới điện cao thế Lạng Sơn cho biết: trước thực trạng như vậy, rất dễ xảy ra các hiện tượng lún sụt, ảnh hưởng tới an toàn vận hành, nhất là khi trời mưa bão. Vì vậy, đơn vị đã lập biên bản hiện trường, làm đơn kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan xem xét giải quyết, đảm bảo an toàn cho tuyến. Tháng 2/2013, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo một số cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành hữu quan cần khẩn trương phối hợp để có các biện pháp kiểm tra, xử lý để đảm bảo an toàn. Ngày 4/3/2013, tại trụ sở Sở Công thương, đại diện của lãnh đạo một số cơ quan ban ngành như: văn phòng UBND tỉnh, Sở Công thương, Giao thông Vận tải, ngành điện, UBND các huyện Văn Lãng, Tràng Định đã tiếp tục họp để thống nhất biện pháp khắc phục. Theo kết luận cuộc họp, tại 3 vị trí cột đã nêu có nguy cơ sụt lún, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão, yêu cầu Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông và trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí mặt bằng để di chuyển các vị trí cột 126, 129, 151 đường dây cao thế 110kV Lạng Sơn- Cao Bằng bằng nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4A… Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc giúp UBND 2 huyện Văn Lãng, Tràng Định lập xong phương án trước ngày 15/3/2013. Về tiến độ, hoàn thành công tác di dời 3 vị trí cột trước ngày 30/4/2013”.
Mặc dù đã có chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh và được sự thống nhất của các cơ quan liên quan về biện pháp xử lý, tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 tháng từ ngày có chỉ đạo, các vị trí cột 126- 129- 151 lộ đường dây cao thế 110kV Lạng Sơn- Cao Bằng vẫn đứng chênh vênh trên mái tatuy cao hàng chục mét, nguy cơ sụt lún, gãy đổ, mất an toàn vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
HOÀNG HUY
Ý kiến ()