Chênh lệch địa tô phải “chảy” vào ngân sách Nhà nước
Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 6-11, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, điều khiến người dân bất bình hiện nay là chênh lệch địa tô đa số vào túi của tư nhân. Theo bà, chênh lệch địa tô phải được đưa vào ngân sách Nhà nước, từ đó đầu tư trở lại để phát triển đất nước và các phúc lợi công cộng khác để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.
NDĐT – Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 6-11, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, điều khiến người dân bất bình hiện nay là chênh lệch địa tô đa số vào túi của tư nhân. Theo bà, chênh lệch địa tô phải được đưa vào ngân sách Nhà nước, từ đó đầu tư trở lại để phát triển đất nước và các phúc lợi công cộng khác để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.
-Dự thảo sửa đổi Luật đất đai lần này có những điểm nào mới, thưa bà?
– Qua các lần góp ý, Ủy ban soạn thảo đã tiếp thu để chỉnh sửa nhiều điểm trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Bản dự thảo lần này có mấy điểm tôi thấy ổn: Đầu tiên, đó là tính minh bạch trong thu hồi đất được thể hiện trong nhiều điều khoản như quy định thời hạn phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết, phải lắng nghe ý kiến của người bị thu hồi đất. Điều này sẽ giải quyết một số vấn đề bất cập hiện nay là có sự áp đặt trong thu hồi đất, không lắng nghe ý kiến người dân bị thu hồi đất khiến họ bức xúc.
Thứ hai, liên quan đến giá đất, đó là điều người dân quan tâm. Tôi nghĩ người dân luôn ủng hộ việc thu hồi đất để cho đất nước phát triển, kể cả vì mục đích phát triển kinh tế. Nếu không có đất để làm các dự án kinh tế thì làm sao đất nước phát triển được. Người dân cũng biết vậy và họ ủng hộ chuyện đó. Vấn đề là miếng đất đó người dân cũng sử dụng làm kinh tế. Họ cũng buôn bán, trồng trọt hay sử dụng làm bất cứ việc gì. Bây giờ chuyển đổi để một người khác cũng làm kinh tế phát triển đất nước, nhưng người đó có điều kiện để làm kinh tế tốt hơn, sử dụng mảnh đất đó có hiệu quả hơn thì người dân cũng sẵn sang giao lại. Nhưng vấn đề là quyền lợi của họ phải được bảo đảm. Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai kỳ này đã thể hiện được điều đó. Tôi cho rằng điều 112 của dự thảo đưa ra năm nguyên tắc để định giá đất là tốt. Các mảnh đất liền kề nhau, có cùng một mục đích sử dụng và cùng khả năng sinh lời như nhau thì giá phải như nhau, cái đó là công bằng. Có tính minh bạch, công bằng và hợp lý thì tôi nghĩ rằng người dân sẽ ủng hộ.
Điều thứ ba tôi quan tâm là tổ chức lại cuộc sống của người dân nếu bị thu hồi đất và bị di dời chỗ ở. Quan trọng là phải tổ chức lại cuộc sống của người dân chứ không chỉ đơn thuần là có một chỗ ở mới, vì đó còn là vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế, cộng đồng dân cư. Cho nên không thể đền bù cho người ta một số tiền rồi để họ muốn đi đâu thì đi. Luật Đất đai sửa đổi kỳ này theo hướng tiếp thu và thể hiện được ý này.
Vấn đề cuối cùng đó chính là khi người dân hy sinh để đóng góp vì sự phát triển của đất nước thì họ cần được ghi nhận bằng chính sách chứ không phải bằng lời nói. Cụ thể, điều này được thể hiện qua chênh lệch địa tô phải được đưa vào ngân sách, vào trong túi của Nhà nước, từ đó đầu tư trở lại để phát triển đất nước và các phúc lợi công cộng khác để người dân được hưởng lợi một cách công bằng. Điều khiến người dân bất bình là chênh lệch địa tô đa số vào túi của tư nhân. Tất nhiên không phủ định tư nhân kinh doanh phải có lãi, nhưng tỷ lệ như thế nào phải được tính toán một cách kỹ lưỡng. Dự thảo luật kỳ này đặt ra vấn đề tài chính về đất đai, tức chênh lệch địa tô phải được tính lại. Tôi nghĩ điều này cũng đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân.
– Theo bà, dự thảo lần này đã đủ thuyết phục để đại biểu Quốc hội thông qua?
– Khi sửa Luật Đất đai, Ban soạn thảo đã có nhiều chuyến đi về cơ sở, và TP Hồ Chí Minh cũng là điểm đến được đi về rất nhiều. Dự thảo luật xuất phát từ thực tiễn của địa phương, từ ý kiến của người dân, từ những bất cập trong việc thực hiện Luật Đất đai cũ, để từ đó góp ý sửa đổi. Tôi cho rằng Luật Đất đai sửa đổi nên thông qua trong kỳ họp này để đưa vào áp dụng sớm.
– TP Hồ Chí Minh có đặc thù gì trong việc thu hồi và quản lý sử dụng đất đai, thưa bà? Và những đặc thù đó có được đưa vào trong dự thảo luật không?
– Đặc thù lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là quá trình đô thị hóa nhanh, và đi đôi với nó là diện thu hồi đất khá lớn. Đó là một đặc thù của quá trình phát triển. Và tất nhiên khi thu hồi đất nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Vì thế, đòi hỏi khung pháp lý cũng phải chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn để giải quyết được vấn đề bất cập cho quá trình phát triển. Nếu chúng ta không giải quyết được những bất cập về chính sách thì sẽ có một bộ phận dân cư không nhỏ chịu thiệt thòi, chịu hy sinh cho quá trình phát triển đó. Đó là mâu thuẫn mà các nhà quản lý cần phải xem xét và giải quyết.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã tiếp thu đáng kể từ những bất cập của TP Hồ Chí Minh và từ cách giải quyết bất cập của TP Hồ Chí Minh. Khi vướng về luật, TP Hồ Chí Minh luôn đề nghị các bộ ngành xem xét để tháo gỡ, và lúc này là cơ hội để những tháo gỡ cục bộ đó được điều chỉnh trong luật. Thí dụ, có một thực tế là chúng ta cứ thu hồi đất, cứ đền bù và cứ nói là tái định cư nhưng dự án tái định cư thì chưa làm, thậm chí có những dự án 10 năm sau dự án tái định cư vẫn chưa làm. Trước thực trạng đó, HĐND TP Hồ Chí Minh đã có một nghị quyết riêng về vấn đề tái định cư, trong đó quy định trước khi thu hồi đất thì phải làm dự án tái định cư. Và trong dự thảo luật lần này đã ghi vào quy định đó.
– Trong dự thảo lần này bà thấy có điểm nào cần sửa đổi để hoàn thiện hơn không?
– Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn thu hồi đất đang là vấn đề rất nóng hiện nay mà cần phải thể hiện một cách chỉn chu hơn. Thí dụ thu hồi đất vào mục đích phát triển KTXH là phạm trù rộng mênh mông. Khi người thực hiện chính sách có tâm trong sáng, biết nghĩ đến quyền lợi của nhân dân đi đôi với quyền lợi phát triển chung của đất nước thì không có điều gì để nói. Nhưng nếu muốn lợi dụng nó thì cũng có đường để lợi dụng. Chính vì thế, cần phải tính toán để ghi vào điều luật một cách chính xác nhất.
– Theo bà, những quy định mới của dự thảo luật có giải quyết được những khiếu kiện liên quan đến đất đai không?
– Tôi nghĩ rằng làm luật là để giải quyết những bất cập của thực tiễn. Song thực tiễn luôn luôn phát sinh, cho nên không thể nói rằng nó đã giải quyết triệt để tất cả, chỉ có thể giải quyết những vấn đề bất cập mà mình đã thấy. Còn những vấn đề bất cập phát sinh thì sẽ điều chỉnh.
– Một trong những điều băn khoăn của quản lý đất đai đó chính là giá đất. Dự thảo luật cần phải thể hiện điều này như thế nào?
– Vấn đề cốt lõi là phải có những cơ quan tư vấn và định giá độc lập. Vì nếu cơ quan quản lý Nhà nước cũng đồng thời là cơ quan định giá thì không tránh khỏi những bất cập. Và không chỉ có một cơ quan định giá độc lập mà nhiều cơ quan để có sự so sánh lẫn nhau, đưa ra giá hợp lý mà người dân có thể chấp nhận được và đồng thời phục vụ được cho nhiệm vụ phát triển KTXH.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()