Chelsea và “bức tường xanh” bất khả xâm phạm
Đêm nay, 28/11, MU sẽ hành quân tới Stamford Bridge của Chelsea. Họ cần một chiến thắng để nuôi hy vọng trở lại tốp 4 Premier League. Tuy nhiên, liệu họ có thể vượt qua “bức tường xanh” mà Thomas Tuchel dựng lên?
Trong nhiều năm, hầu hết đều nghĩ rằng kỷ lục mà Jose Mourinho thiết lập mùa 2004/05 sẽ không bao giờ bị phá. Mùa giải ấy, Chelsea của HLV người Bồ Đào Nha chỉ thủng lưới 15 bàn, tức 0,39 bàn mỗi trận, đồng thời giữ sạch lưới 25 trận.
Có vẻ như kỷ lục đáng kinh ngạc ấy sắp bị xô đổ. Vẫn là Chelsea, nhưng dưới sự dẫn dắt của Thomas Tuchel, thậm chí còn chắc chắn hơn. Qua 12 trận họ mới chỉ nhận 4 bàn thua và giữ sạch lưới 8 trận. Nếu tiếp tục chơi với phong độ này, duy trì tỷ lệ 0,33 bàn/trận, The Blues sẽ hoàn thành mùa giải với không quá 13 lần thủng lưới.
Đã 10 tháng trôi qua kể từ khi Tuchel tiếp quản Chelsea. Và 50 trận ở mọi đấu trường dưới sự chỉ đạo của ông, đội bóng Tây London chỉ thua 7 trận, thủng lưới 24 bàn, giữ sạch lưới 31 trận. Trong cùng thời gian, không câu lạc bộ nào ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu có thành tích phòng ngự tuyệt vời như vậy. Ngay cả Mourinho khi mới đến Chelsea và xây dựng lối đá phòng ngự kỷ luật cũng phải nhận 27 bàn sau 50 trận đầu tiên.
Vậy điều gì đã biến Chelsea thành lực lượng bất khả xâm phạm? Bên cạnh hệ thống 3 hậu vệ kiên cố và việc xoay tua hợp lý để giữ các cầu thủ luôn sung mãn vẫn còn những nguyên nhân khác. Tuchel đã đề cập đến… pha lập công thứ hai ghi được vào lưới Leicester ở vòng 12 như một cách lý giải.
Dùng bàn thắng, biểu hiện của sức mạnh tấn công, để chứng minh cho sự chắc chắn trong phòng thủ, thật kỳ lạ phải không? Nhưng như Tuchel cũng nói, “chúng tôi luôn nghĩ về việc làm thế nào để tốt hơn nữa, song không bao giờ dành quá nhiều thời gian để tìm kiếm giải pháp cho phòng thủ. Tấn công là cách tốt nhất để phòng ngự”.
Và Tuchel phân tích: “Nhìn vào pha ghi bàn của N’Golo Kante, sau khi cậu ấy đã chạy cả nửa sân bóng rồi tung ra cú sút bằng trái, nhiều người sẽ ngạc nhiên trước việc Antonio Ruediger là người đầu tiên chạy đến chia vui. Ồ, cậu ta chạy nhanh đến thế sao?
Đó là vì cùng thời điểm Kante lao lên, Ruediger cũng dâng cao, áp sát tiền đạo đối phương để thu hẹp khoảng trống. Trong trường hợp cú sút của Kante bị cản phá, Ruediger sẽ lập tức chặn đứng nguy cơ phản công. Ít người để ý đến điều đó. Nó như một công việc vô hình. Nhưng đó là điều chúng tôi đang làm”.
Chelsea hiện là đội có trung bình kiểm soát bóng cao thứ 3 Premier League với 56,8%, chỉ sau Man City và Liverpool. Tuy nhiên, họ đã thực hiện 275 hành động gây áp lực lên đối phương, cao thứ 5 giải đấu. 59,6% trong số này diễn ra bên phần sân bên kia. Nó cho thấy mặc dù cầm bóng áp đảo nhưng ngay khi mất bóng, họ lập tức gây áp lực để thu hồi nhanh chóng. Cả lúc có bóng, các học trò của Tuchel, giống như Ruediger đã làm, luôn ý thức về việc thu hẹp khoảng trống để chặn đứng nguy cơ tiềm tàng.
Cho đến nay, Chelsea chỉ để đối thủ tung ra 116 cú sút. Sẽ ít hơn nữa nếu tính riêng số lần dứt điểm trúng đích, chỉ 34. Thật ra con số này không phải ít nhất Premier League. Liverpool và Man City còn làm tốt hơn trong việc giảm thiếu số cú sút phải nhận. Thế nhưng The Blues lại đứng đầu với 4 bàn thua ít ỏi. Không tính penalty, nó chỉ còn 2.
Đến đây cần phải dành lời khen ngợi cho Edouard Mendy. Thủ môn người Senegal đã cản phá thành công 93,8% số cú sút. Không ai ở Premier League có tỷ lệ tốt hơn. Ederson của Man City chỉ 70,6%, Allison của Liverpol là 69,4% còn De Gea của MU thậm chí thấp hơn hơn nữa, với 60,1%. Theo tính toán, số bàn thua dự kiến của Chelsea là 7,7. Có nghĩa Mendy đã chặn đứng 3,7 bàn thua mười mươi.
Để tiếp cận cầu môn Chelsea, sau đó đánh bại Mendy thực sự là một bài toán hóc búa cho mọi đội bóng. Đêm nay hành quân tới Stamford Bridge, đến lượt MU phải tìm ra lời giải trước “bức tường xanh” mà Tuchel dựng lên. Họ sẽ phải cố gắng hơn 100% sức lực nếu muốn một kết quả tốt.
Ý kiến ()