Chế tạo và hạ thủy giàn khoan tự nâng 90 m nước đầu tiên
Giàn khoan tự nâng 90 m nước. Thực hiện chiến lược tăng tốc của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ngày 5-9-2011, tại vùng biển Vũng Tàu, giàn khoan tự nâng 90 m nước đã được hạ thủy thành công. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu chế tạo, việc chế tạo giàn khoan tự nâng này thêm một lần khẳng định trình độ, trí tuệ, sức lao động sáng tạo của đội ngũ thợ kỹ thuật cơ khí chuyên ngành dầu khí.Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ - Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) Nguyễn Hùng Dũng cho biết: "Đây là loại giàn khoan tự nâng, với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất. Với chiều cao chân giàn là 145 m giàn khoan trên có thể thực hiện công tác khoan ở các khu vực nước sâu đến 90 m; giàn khoan được...
|
Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ – Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) Nguyễn Hùng Dũng cho biết: “Đây là loại giàn khoan tự nâng, với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất. Với chiều cao chân giàn là 145 m giàn khoan trên có thể thực hiện công tác khoan ở các khu vực nước sâu đến 90 m; giàn khoan được trang bị hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.000 m dưới đáy biển; đây là công trình đòi hỏi kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ – ABS cấp chứng nhận”.
Với tổng giá trị đầu tư lên đến 273 triệu USD, đây được coi là dự án trọng điểm của Nhà nước, giàn khoan tự nâng 90 m được khởi công từ tháng 6-2009 và bắt đầu thi công từ tháng 3-2010. Sau 18 tháng thi công giàn khoan trên đạt 85% tiến độ với trọng lượng hơn 9.400 tấn đã được hạ thủy thành công và kéo về lại cảng của PV Shipyard. Việc hạ thủy thành công giàn khoan tự nâng 90 m nước là khâu khó nhất và quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình chế tạo, là một minh chứng rõ ràng về khả năng chế tạo giàn khoan tại Việt Nam. Theo hợp đồng chế tạo thì khoảng tháng 5-2012 giàn sẽ được bàn giao, tuy nhiên, PV Shipyard đang phấn đấu bàn giao cho chủ đầu tư trước thời hạn từ hai đến ba tháng.
Được thành lập từ tháng 7-2007, trong vòng hơn bốn năm PV Shipyard vừa xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức đội ngũ nhân sự kỹ thuật, vừa tổ chức thực hiện dự án chế tạo giàn khoan nói trên, đến nay PV Shipyard đã có hơn 700 kỹ sư, chuyên viên và công nhân có tay nghề cao. Với độ tuổi bình quân toàn công ty là 31, PV Shipyard tự hào là một trong những công ty có lực lượng lao động trẻ nhất trong hệ thống Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Chỉ sau gần ba năm quyết tâm cao, phấn đấu liên tục từ bãi đất trống sình lầy 40 ha tại khu vực Sao Mai Bến Đình, thành phố Vũng Tàu đã hình thành nên khu căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí quy mô và đồng bộ. Trong quá trình thi công, cán bộ, công nhân viên đã áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Nhà nước 43 triệu USD. Cơ sở vật chất hiện đại cùng với đội ngũ nhân sự kỹ thuật sung sức cho phép PV Shipyard thi công cùng lúc ba giàn khoan.
Với kế hoạch phát triển sắp tới, PV Shipyard sẽ tăng năng lực sản xuất, chế tạo của căn cứ, bảo đảm chế tạo đồng thời từ 4 đến 5 giàn khoan, tiến tới chế tạo các loại giàn khoan lớn hơn, hiện đại hơn, phức tạp hơn như giàn khoan nửa nổi, nửa chìm, tàu khoan… phục vụ công tác thăm dò, khai thác tại những vùng biển xa hơn, sâu hơn của ngành dầu khí. Tổng Giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng khẳng định: “Từ thành công của giàn khoan tự nâng này, PV Shipyard sẽ triển khai đóng mới giàn khoan thứ hai, phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước”.
Đến nay PetroVietNam đang dần khẳng định vị trí của mình trên bản đồ chế tạo giàn khoan trên thế giới, hoàn thiện từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến dầu mỏ, khẳng định thế mạnh tiềm năng của một ngành kinh tế đầu tàu của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()