Chế tạo thành công vật liệu đặc chủng phục vụ quốc phòng - an ninh
Với niềm đam mê nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam đã chế tạo thành công vật liệu đặc chủng thành áo phao chống đạn súng ngắn K54, chống đạn súng tiểu liên AK47; đạn xuyên động năng thay thế cho đạn nổ…
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam vừa tổ chức trao tặng giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho 10 nhà khoa học là tác giả của bốn công trình khoa học xuất sắc, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn.
Trong số những công trình xuất sắc nêu trên có công trình “Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm” của nhóm tác giả: TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; TS. Lê Văn Thụ, Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công an.
TS. Nguyễn Văn Thao chia sẻ về công trình đoạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.
Công trình này là kết quả của dự án “Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong an ninh – quốc phòng” do Trung tâm Phát triển công nghệ cao Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện, gồm 2 hợp phần.
Hợp phần 1 là “Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, ứng dụng trong sản xuất các thiết bị, dụng cụ đặc chủng trang bị cho người lính” do TS. Nguyễn Văn Thao, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm chủ nhiệm và TS. Lê Văn Thụ, Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công an làm đồng chủ nhiệm.
Hợp phần đã nghiên cứu và chế tạo thành công những hệ vật liệu có đặc tính vật lý, cơ học nhẹ, độ bền cơ học cao, dẻo… đảm bảo để sản xuất các thiết bị đặc chủng.
Việc làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu có tính năng đặc biệt này đã mở ra hướng sản xuất các sản phẩm chống va đập, chống đạn mới, phục vụ an ninh quốc phòng và sản xuất các thiết bị đặc chủng bao gồm: áo phao chống đạn súng ngắn K54, áo phao chống đạn súng tiểu liên AK47, tấm chống đạn súng bắn tỉa đạt tiêu chuẩn chống đạn NIJ 01.01.06 của Mỹ; mũ bảo hiểm chống va đập; bộ ốp bảo vệ tay chống va đập; bộ ốp mềm bảo vệ chân, tấm chống đạn súng tiểu liên AK47.
Các sản phẩm sử dụng vật liệu mới đã giảm được khối lượng xuống chỉ còn từ 80 đến 85% so với sản phẩm của nước ngoài mà tính năng chống đạn, chống va đập vẫn không thay đổi. Toàn bộ các sản phẩm đã được thử nghiệm khả năng chống đạn trên thực tế bằng bắn đạn thật theo tiêu chuẩn. Các sản phẩm của hợp phần đã được đăng ký tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực an ninh và thiết lập thành các quy trình công nghệ sản xuất với quy mô bán công nghiệp, có thể ứng dụng trong thực tế.
Sản phẩm của công trình đoạt giải được trưng bày tại Lễ trao giải.
Cùng với Hợp phần 1, Hợp phần 2 “Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim vonfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự” do PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm chủ nhiệm. Tại Hợp phần này, các nhà khoa học đã chế tạo được vật liệu với đặc điểm, tính chất để sản xuất được đạn xuyên động năng.
Đạn xuyên động năng là thế hệ đạn thứ hai thay thế cho đạn nổ. Công trình đã chế tạo thành công vật liệu hợp kim WC-Ni có đặc điểm kỹ thuật về tỷ trọng, độ bền, độ dai, độ cứng và độ đồng đều đạt theo yêu cầu chế tạo đạn xuyên động năng. Từ vật liệu này, các đơn vị phối hợp đã sản xuất đạn xuyên động năng pháo 85mm. Kết quả bắn thử nghiệm cho thấy, đạn xuyên động năng pháo 85mm đã đạt được các yêu cầu về độ xuyên thép, cũng như các yêu cầu kỹ thuật khác.
Chia sẻ về thành công của mình và các cộng sự trong Hợp phần 1, TS Nguyễn Văn Thao cho biết: Trong việc chế tạo các dụng cụ đặc chủng cho người lính, xu thế hiện nay chủ yếu tập trung vào các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Ngoài ra, các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.
TS Nguyễn Văn Thao cũng cho biết, hiện một số sản phẩm nghiên cứu của hợp phần dự án đã được triển khai sản xuất thử nghiệm đạt kết quả rất tốt. Được đăng ký tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực an ninh và thiết lập thành quy trình công nghệ sản xuất với quy mô bán công nghiệp để ứng dụng trong thực tế.
Đánh giá về công trình này, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Nhằm phát huy tinh thần “ Đưa trí tuệ Việt Nam vươn lên đỉnh cao của khoa học công nghệ” của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay đã khuyến khích giới khoa học trong cả nước nỗ lực nghiên cứu, nhằm đạt được những kết quả khoa học xuất sắc và tham gia tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó ở Việt Nam, để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, đảm bải an ninh-quốc phòng của đất nước.
Công trình “Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85mm” đã thành công trong việc nghiên cứu các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.
Có thể khẳng định, công trình là kết quả của một tập thể tác giả với tinh thần nghiên cứu khoa học và thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng, đến từ Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hóa học Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và tài liệu nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an; Viện Công nghệ, Viện vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng; Viện Hóa học – Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng.
Kết quả của công trình không chỉ dừng lại ở việc đạt kết quả nghiệm thu xuất sắc ở tất cả các Hội đồng, mà còn mở rộng khả năng chủ động về công nghệ, chế tài quân sự, vũ khí cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó chính là một trong những mong muốn cháy bỏng mà sinh thời, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa luôn hướng đến./.
Ý kiến ()