Chế tạo thành công máy biến áp 500 kV, niềm tự hào không chỉ của EEMC
Ngày 7-10, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ gắn biển Công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho công trình chế tạo máy biến áp 500 kV - 3x 150 MVA đầu tiên ở Việt Nam.Đây là thành quả của tinh thần lao động sáng tạo, sự nỗ lực vượt bậc của tập thể kỹ sư, công nhân lao động Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC).Trên thế giới, việc chế tạo máy biến áp 500 kV và cao hơn không còn xa lạ với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Pháp, Đức, Mỹ, I-ta-li-a... Ở Việt Nam, cũng có hàng chục công ty, doanh nghiệp liên doanh đã và đang chế tạo máy biến áp, nhưng cũng chỉ mới sản xuất được loại máy biến áp đến 110 kV. Việc EEMC sản xuất thành công máy biến áp 500 kV đầu tiên tại Việt Nam được coi là thắng lợi to lớn của nền cơ khí điện lực nước ta, bởi ngay cả các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở khu vực Đông - Nam Á như Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin......
Đây là thành quả của tinh thần lao động sáng tạo, sự nỗ lực vượt bậc của tập thể kỹ sư, công nhân lao động Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC).
Trên thế giới, việc chế tạo máy biến áp 500 kV và cao hơn không còn xa lạ với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Pháp, Đức, Mỹ, I-ta-li-a… Ở Việt Nam, cũng có hàng chục công ty, doanh nghiệp liên doanh đã và đang chế tạo máy biến áp, nhưng cũng chỉ mới sản xuất được loại máy biến áp đến 110 kV. Việc EEMC sản xuất thành công máy biến áp 500 kV đầu tiên tại Việt Nam được coi là thắng lợi to lớn của nền cơ khí điện lực nước ta, bởi ngay cả các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở khu vực Đông – Nam Á như Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin… cũng chưa có nước nào chế tạo được máy biến áp 500 kV.
Chỉ riêng số vốn đầu tư để sản xuất một máy biến áp loại này đã tiêu tốn khoảng 150 tỷ đồng, đó là chưa kể vốn đầu tư ban đầu cho nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền thiết bị, công nghệ, kinh phí cho nghiên cứu, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó còn phải tính tới việc sản phẩm làm ra phải bảo đảm vận hành an toàn trong điều kiện môi trường nhiệt đới ẩm và cả khi nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu, để làm sao khi sản phẩm chế tạo xong đưa vào vận hành phải đạt tuổi thọ hơn 30 năm…
Từ năm 2000 đến nay, cán bộ, công nhân EEMC đã mạnh dạn nghiên cứu, sản xuất máy biến áp 500 kV. Động lực chính thúc đẩy EEMC quyết tâm sản xuất máy biến áp 500 kV chính là theo Quy hoạch phát triển điện VI có tính đến năm 2020, hệ thống lưới điện quốc gia cần phải xây dựng tới 93 trạm biến áp 500 kV. Mặt khác, từ năm 2005, đội ngũ kỹ sư, lao động giỏi của EEMC trực tiếp sửa chữa thành công bốn tổ máy biến áp của Nhà máy Thủy điện Ya Ly và nhiều tổ máy 500 kV ở Đà Nẵng, Hòa Bình… trong hệ thống lưới điện 500 kV của nước ta khi gặp sự cố. Bên cạnh đó, công ty cũng có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo thành công hàng nghìn máy biến áp các loại, trong đó có 231 máy biến áp 110 kV và 22 máy biến áp 220 kV, đã được lắp đặt, vận hành an toàn tại các địa phương trong cả nước.
Năm 2003, khi chiếc máy biến áp 220 kV đầu tiên của Việt Nam do EEMC sản xuất được lắp đặt và vận hành an toàn, hiệu quả tại Trạm 220 kV Sóc Sơn, nhiều người đã cho rằng, có lẽ đây là thành tựu cuối cùng của ngành cơ khí điện lực nước ta. Thế nhưng, ý tưởng nghiên cứu và chế tạo máy biến áp 500 kV đã được lãnh đạo công ty nâng lên thành chủ trương trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ công ty nhiệm kỳ 2005 – 2010, và được triển khai quyết liệt. Ngay cả khi doanh nghiệp chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần, công ty vẫn kiên định mục tiêu tập trung mọi nguồn lực để chế tạo bằng được máy biến áp 500 kV – 3 x 150 MVA.
Các giải pháp đồng bộ được gấp rút triển khai, bao gồm: Hoàn thiện hồ sơ thiết kế, quy trình công nghệ, danh mục các tài liệu nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp nhà nước về chế tạo máy biến áp 500 kV; cử cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao tới các trạm biến áp trong nước để tham quan, tìm hiểu mẫu máy, kinh nghiệm quản lý, vận hành trạm, kể cả việc trực tiếp sửa chữa máy biến áp 500 kV của thủy điện Ya Ly để tích lũy học hỏi; hợp tác với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam để hoàn tất các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo sản phẩm.
Công ty cũng đã cử nhiều đoàn công tác sang nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và mua phần mềm thiết kế chế tạo máy biến áp, cũng như thuê chuyên gia tư vấn và lựa chọn đối tác cung cấp dây chuyền thiết bị máy móc, vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các ngân hàng thương mại để thu xếp nguồn vốn. Bên cạnh đó, phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), Viện Năng lượng tổ chức khảo sát địa điểm xây dựng trạm biến áp, chuẩn bị lực lượng kỹ thuật để theo dõi quá trình thử nghiệm vận hành… và khẩn trương cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, kho tàng, tập kết vật tư thiết bị và tổ chức lại lực lượng lao động để thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiến độ đề ra.
Ngay sau khi được các cơ quan liên quan thông qua Đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu thiết kế, chế tạo tổ máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV – 3 x 150 MVA, EEMC đã thành lập Hội đồng Nghiên cứu chế tạo sản phẩm đứng đầu là Tổng Giám đốc Công ty Trần Văn Quang; kỹ sư Nguyễn Đức Công, Phó Giám đốc công ty được giao làm Chủ nhiệm đề tài; các thành viên Hội đồng còn có các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, đã từng chủ trì nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 125 MVA – 220 kV như kỹ sư Trần Hữu Ánh, Trưởng phòng kỹ thuật, kiểm soát thiết kế; kỹ sư Nguyễn Quang Tuệ, thiết kế điện từ; kỹ sư Nguyễn Đình Đoàn, Phó trưởng phòng kỹ thuật, thiết kế cơ nhiệt, đồ gá; đặc biệt là kỹ sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt – người đã đoạt giải thưởng Cô-va-lép-xkai-a đóng vai trò là thiết kế chính. Bên cạnh đó, công ty tổ chức, sắp xếp lại nhân sự các xưởng biến áp truyền tải; xưởng cơ khí; xưởng khí cụ điện và tự động hóa; xưởng cáp nhôm; phòng kỹ thuật; phòng KCS… bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong các dây chuyền sản xuất.
Thành công của công ty trong quá trình thực hiện là biết chắt chiu, tiết kiệm từng đồng vốn để dành sự ưu tiên cho đầu tư các hạng mục quan trọng. Trong đó phải kể tới việc tận dụng nhà xưởng, kho tàng, thiết bị công nghệ hiện có, không chỉ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp do không phải đầu tư xây dựng mới mà còn dành số vốn này phục vụ cho nâng cấp nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đặc biệt là, việc chế tạo máy biến áp 500 kV còn giúp cho người lao động trong công ty tranh thủ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý về quản lý, kỹ thuật, về chế tạo sản phẩm chất lượng cao… từ các chuyên gia nước ngoài, qua đó làm chủ dây chuyền thiết bị công nghệ, mở ra một triển vọng mới là sản xuất hàng loạt máy biến áp 500 kV, tiết kiệm được ngoại tệ, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của EEMC là vốn đầu tư cho sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù đây là dự án cơ khí trọng điểm quốc gia, nhưng doanh nghiệp đều phải tự làm, tự đầu tư, thủ tục vay vốn lại quá rườm rà, phức tạp nên gặp nhiều khó khăn. Tới thời điểm này, Công ty cũng mới chỉ ký được hợp đồng nguyên tắc với NPT, dự kiến, máy biến áp này sẽ được lắp đặt vận hành tại Trạm 500 kV Nho Quan. Tuy nhiên những điều kiện ràng buộc như hợp đồng kinh tế, ứng vốn cho sản xuất giữa hai pháp nhân vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo tích cực từ lãnh đạo và các cơ quan chức năng Bộ Công thương, EVN để giúp cho công ty thật sự yên tâm, tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục chế tạo máy biến áp 500 kV.
VIỆC EEMC hoàn thành việc chế tạo máy biến áp 500 kV đầu tiên, vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một trong những sự kiện kinh tế quan trọng hàng đầu không chỉ làm rạng danh Thủ đô Anh hùng mà còn là niềm tự hào của cả nước, bởi tính đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia Đông – Nam Á đầu tiên đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và chế tạo thành công máy biến áp 500 kV – 3 x 150 MVA.
Theo Nhandan
Ý kiến ()