Chế tài có nhưng khó xử phạt
LSO-Quy định cấm hút thuốc lá nơi cộng cộng có hiệu lực từ khá lâu. Pháp luật cũng quy định thẩm quyền, mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến mà không mấy ai bị xử phạt.
Một trường hợp hút thuốc lá tại lối vào khu vực tiếp đón bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ 1/5/2013), hành vi hút thuốc lá bị cấm tại những địa điểm công cộng như: bệnh viện, trường học, nhà ga, bến xe, rạp chiếu phim… Song đến nay, việc hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra bình thường. Ở Lạng Sơn, nhiều người vô tư hút thuốc lá tại nơi bị cấm, thậm chí ngay cả ở môi trường đặc thù như bệnh viện.
Ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các biển cấm hút thuốc lá và cảnh báo tác hại của thuốc lá được treo nhiều trong khuôn viên, hành lang các khu khám, điều trị bệnh, nhưng không ít người nhà bệnh nhân, người ra vào bệnh viện và cả nhân viên trông giữ xe vẫn vô tư phì phèo thuốc lá. Anh Đ.V.B ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn phân trần: Biết là cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng ngồi lâu, thèm quá nên tôi vẫn phải “làm” một điếu.
Theo bác sỹ Hoàng Tiến Ninh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện quán triệt các y bác sỹ, nhân viên y tế không hút thuốc lá nơi công cộng, nhất là ở nơi làm việc, đồng thời thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong bệnh viện, tuy nhiên chỉ hạn chế được phần nào. Hơn nữa, bệnh viện không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này nên hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, theo Nghị định 176, ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, lực lượng tham gia xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm: thanh tra y tế, chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ, chủ tịch UBND các cấp… Cũng theo nghị định này, hành vi hút thuốc lá ở những nơi bị cấm bị xử phạt từ 100.000 – 300.000 đồng.
Tuy nhiên, thực tế hành vi này ít bị xử phạt do chưa có lực lượng chuyên trách, theo dõi, giám sát; còn người có thẩm quyền lập biên bản chưa quyết liệt lập biên bản cũng như xử phạt. Trên cả nước thời gian qua, rất ít trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, còn tại Lạng Sơn, chưa có trường hợp nào.
Bác sỹ Nguyễn Nam Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe nhận định: Việc xử phạt gặp nhiều khó khăn do hành vi hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khi lực lượng chức năng có mặt thì người vi phạm đã tẩu tán mẩu, tàn thuốc. Hơn thế nữa, với các trường hợp vi phạm hành chính khác như vi phạm về giao thông, cơ quan chức năng có thể tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe hoặc các giấy tờ tùy thân… chỉ khi đến nộp phạt có biên lai của kho bạc, người vi phạm mới được giải quyết, trả lại giấy tờ, nhưng đối với người hút thuốc lá nơi công cộng thì không có gì để tạm giữ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước có mức rủi ro về bệnh tật và tử vong do thuốc lá cao với 40.000 ca tử vong mỗi năm có nguyên nhân từ sử dụng thuốc lá. Trong khi việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng còn lúng túng thì để phòng, chống tác hại của thuốc lá, điều quan trọng hơn hết vẫn là truyền thông. Bác sỹ Dũng cho rằng: Cần thiết nhất là đẩy mạnh truyền thông về tác hại của thuốc lá, về quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng. Mặt khác, các cơ quan, công sở nên gắn việc chấp hành quy định cấm hút thuốc nơi công cộng với thi đua – khen thưởng, đánh giá, bình xét cán bộ, nhân viên; người đứng đầu, quản lý các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là quy định cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, các địa điểm công cộng…
BẢO VY
Ý kiến ()