Chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ từ cây ký ninh: Dự án khởi nghiệp tiềm năng
- Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, nhóm tác giả ANISE của Trường THPT Lương Văn Tri, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan đã hình thành ý tưởng và phát triển dự án "Quinia - Chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ từ cây ký ninh" nhằm tạo ra sản phẩm giúp nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi.
Cây ký ninh là loài cây dây leo bằng thân quấn, có thể dài 1 - 2m đến khoảng 6 - 7m. Khi cây còn non thân nhẵn, khi già có thân màu xám, vỏ xù xì trông như da cóc. Loại cây này thường mọc rất nhiều tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lạng Sơn. Tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, cây ký ninh được một số người dân trồng để làm dược liệu điều trị các loại bệnh như sốt rét, đau xương khớp.
Từ nguồn nguyên liệu có sẵn, từ đầu năm 2023, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu, nhóm học sinh Trường THPT Lương Văn Tri gồm các em: Nguyễn Hoàng Lâm; Nguyễn Xuân Thương; Phùng Kim Yến; Bành Hoàng Nguyên (nhóm ANISE) đã nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học, phân bón từ cây ký ninh.
Em Nguyễn Hoàng Lâm, trưởng nhóm tác giả ANISE, Trường THPT Lương Văn Tri cho biết: Chế phẩm “Quinia” sử dụng phương pháp lên men đường, nước và cây ký ninh để tạo ra chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ có nguồn gốc từ tự nhiên. Từ đó, có thể tạo ra sản phẩm hỗ trợ thay thế các loại vắc - xin để phòng, chữa bệnh cho gia cầm và phân bón hữu cơ cho cây trồng. Để tạo ra sản phẩm, cây ký ninh sau khi thu hoạch sẽ được giã nhỏ và trộn với đường và nước theo tỷ lệ nhất định. Từ đó, các nguyên liệu sẽ được tiến hành lên men trong 7 ngày và tạo ra thành phẩm.
Theo nhóm tác giả, Chế phẩm sinh học từ cây ký ninh là chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu, là tập hợp các loại vi sinh vật hữu ích với 80 loài gồm cả vi sinh vật yếm khí và kị khí, thuộc 10 chi khác nhau, chia làm 9 nhóm. Trong đó, các vi sinh vật có tác dụng giúp gia cầm và cây trồng nâng cao về sức đề kháng, khả năng chống bệnh và kích thích phát triển cho cây trồng, vật nuôi.
Em Nguyễn Hoàng Lâm, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết thêm: Từ tháng 5/2024 đến tháng 8/2024, nhóm áp dụng thử nghiệm sản phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi tại một số hộ sản xuất nông nghiệp có quy mô tương đối lớn và 1 hợp tác xã trên địa bàn xã Yên Phúc và thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan. Qua đánh giá kết quả từ quá trình thử nghiệm thực tế, năng suất, chất lượng của gia cầm khi sử dụng chế phẩm từ cây ký ninh cũng như cây trồng được sử dụng phân bón đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm trên góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia cầm và trồng trọt vì sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên.
Cô Vy Thị Hồng Thái, giáo viên môn sinh học, Trường THPT Lương Văn Tri, phụ trách hướng dẫn nhóm tác giả cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, tạo ra chế phẩm và phân bón từ cây ký ninh, nhóm tác giả đã đồng thời xây dựng kế hoạch marketing cho sản phẩm. Bước đầu, nhóm tác giả đã giới thiệu sản phẩm đến một số đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện Văn Quan và đã được các đơn vị kết nối, hỗ trợ tổ chức một số hội thảo để giới thiệu sản phẩm đến người dân trên địa bàn thị trấn Văn Quan và xã Yên Phúc. Bên cạnh đó, nhóm đã cung cấp sản phẩm đến một số cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn để được giới thiệu, phân phối đến người tiêu dùng trên địa bàn huyện.
Qua sự khảo sát, so sánh của nhóm tác giả, chi phí khi sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón từ cây ký ninh nếu so với các sản phẩm phân bón, chế phẩm hoá học trên thị trường có giá thấp hơn khoảng 30.000 - 40.000 đồng/sản phẩm. Do vậy, nếu áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt sẽ giúp người nông dân phần nào giảm thiểu chi phí sản xuất.
Với nhiều tiềm năng phát triển, sản phẩm từ dự án "Quinia - Chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ từ cây ký ninh" đã đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Ông Trần Thế Kiên, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2024 cho biết: Chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ từ cây ký ninh có tiềm năng rất lớn và được các chuyên gia đánh giá rất cao. Trong xu hướng phát triển nông nghiệp "xanh" như hiện tại, sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Hiện tại, chúng tôi đã hỗ trợ nhóm tác giả dự án trên hoàn thiện các thủ tục để tham gia các cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ hoàn thiện mẫu mã, bao bì của sản phẩm. Từ đó, có thể giúp dự án khởi nghiệp trên được hiện thực hoá.
- Trò chơi điện tử hỗ trợ học tập: Sản phẩm hữu ích cho học sinh học phân môn Hóa học lớp 7
- Hội thảo khoa học nghiên cứu giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác chuyển đổi số
- Sản xuất và kinh doanh nước rửa bát bồ hòn men gạo: Ý tưởng khởi nghiệp có tính thực tiễn cao
- Chế biến kinh doanh sản phẩm từ bí đỏ: Dự án khởi nghiệp nhiều triển vọng
Ý kiến ()