Chè ngon, nhà dùng
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành chè với phương châm “chè ngon, nhà dùng” đã chuyển hướng về thị trường nội địa, đa dạng mặt hàng, bù đắp một phần doanh thu.
Là một trong những hợp tác xã chè xuất khẩu chủ lực, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã giảm mạnh lượng xuất khẩu, tuy nhiên, với kho chứa lớn, HTX La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên) vẫn thu mua đều đặn hơn chục tấn chè mỗi tháng cho dân. Để bảo đảm liên kết bền vững, HTX phải giữ đúng cam kết bao tiêu sản phẩm, còn các hộ tham gia liên kết phải tuân thủ sản xuất chè đúng quy trình VietGAP và hữu cơ. Tuy nhiên, thay vì xuất khẩu, công ty đã đẩy mạnh tiêu thụ nội địa thông qua hàng trăm điểm giới thiệu đặc sản tại các xã vùng chè mà tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp phối hợp xây dựng. Nhiều điểm bán còn chế biến sản phẩm mới như: nước uống, kẹo, bột matcha từ chè… để đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết, HTX xây dựng mô hình sản xuất chè theo chuỗi, đồng nhất về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói nên chất lượng được nâng cao, chè sạch, hương vị đặc trưng, được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng. Đây là lý do để sản phẩm của HTX đã chinh phục không chỉ người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới mà còn cả thị trường nội địa.
Không chỉ HTX La Bằng mà nhiều năm gần đây, các doanh nghiệp chè đã chuyển hướng về thị trường nội địa nhằm đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm, Nhiều địa phương cũng có chính sách thúc đẩy tiêu thụ nội địa, như Thái Nguyên đã chú trọng hỗ trợ hạ tầng sản xuất, chi phí phân bón, 100% chi phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ, thiết kế bao bì và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Linh hoạt, kiên trì giữ vững thị trường nội địa, cây chè đã thành cây làm giàu, vùng chè thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, cho thu nhập cao và ổn định, bình quân 250 triệu đồng/ha/năm.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sản xuất chè 11 tháng đạt 175 nghìn tấn, ước cả năm đạt 180 nghìn tấn, so với năm 2019, giảm khoảng 5.000 tấn. Xuất khẩu chính ngạch sau 11 tháng đạt 124 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm, xuất khẩu đạt 135 nghìn tấn. Xuất khẩu chính ngạch, 11 tháng đạt 124 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm, xuất khẩu đạt 135.000 tấn; xuất khẩu tiểu ngạch ước cả năm đạt 10 nghìn tấn.
Về giá trị, xuất khẩu chè 11 tháng năm 2020 đạt 201 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định, năm 2020, ngành chè gặp rất nhiều khó khăn, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới gần như không có. Đáng chú ý, vấn đề chi phí vận tải cũng gây khó khăn cho nhiều ngành hàng nông sản, trong đó có ngành chè. Nếu như mọi năm, chi phí vận tải chỉ khoảng 700 – 900 USD/container thì năm nay lên tới 2.700 – 3.000 USD/container, cao gấp 3 lần, tạo sức ép rất lớn về chi phí, trong khi giá chè lại giảm. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa là một trong những thị trường quan trọng cho mặt hàng này.
Ước tính, tiêu thụ nội địa ước cả năm duy trì ở mức 45.000 tấn, với giá bán đạt 150 nghìn đồng/kg. Hiện nay, một số dòng chè Shan, nhất là dòng chè Shan mới có giá bán cao, tiêu thụ ổn định. Tiêu thụ nội địa đã giúp ngành chè tháo gỡ một phần khó khăn khi xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Đa dạng mặt hàng
Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh nâng cao giá trị cho các sản phẩm chè, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch phát triển ngành chè theo hướng sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các dự án tập trung vào việc giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm về thâm canh chè, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè chất lượng cao như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An… Cùng với đó, thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tức là, sản phẩm đã bảo đảm đủ tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, thay vì chè xanh và chè khô đơn thuần, đến nay, doanh nghiệp đã đa dạng các mặt hàng phù hợp thị trường nội địa như bột chè xanh, kẹo, matcha… để cung cấp cho khách hàng nội địa, đa dạng thêm sự lựa chọn. Kinh nghiệm từ Lâm Đồng, một trong những vùng chè nổi tiếng của cả nước cho thấy, từ Quảng Nam đến hết miền Nam, chè Bảo Lộc (Lâm Đồng) chiếm toàn bộ. Để chinh phục thị trường, các doanh nghiệp chè Lâm Đồng đã đẩy mạnh chế biến matcha, làm nguyên liệu chế biến trà sữa. Nhờ đó, sản phẩm được bán với giá ổn định ở mức từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng mỗi kg, giúp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và giải phóng một phần chè xuất khẩu.
Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng trong vấn đề tín dụng, khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất chè organic để xuất khẩu đến các thị trường khó tính, bởi chỉ có như vậy mới có thể xuất khẩu được sang thị trường EU.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị: Những năm tới đây, để giữ ổn định diện tích cây chè, nhưng phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà. Do đó, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng chè, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm chè, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm truyền thống.
Ý kiến ()