Chế biến, tăng giá trị của quả chuối
– Lâu nay, quả chuối thường được sử dụng để ăn tươi và chế biến một số món ăn nên giá trị mang lại còn nhiều hạn chế. Để nâng cao giá trị của loại quả này nhóm nghiên cứu của Trường THPT Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đã dùng chuối để sản xuất rượu và cồn.
Chuối là cây ăn quả được trồng phổ biến trong các gia đình ở khu vực nông thôn. Quả chuối giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, chuối có đặc điểm nhanh chín, dễ bị hỏng, khó vận chuyển, thời gian bảo quản ngắn. Từ tháng 2/2022 đến tháng 11/2022, nhóm nghiên cứu Đặng Thị Ngọc Ánh, Hoàng Thị Lan Anh, lớp 11A, Trường THPT Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đã “Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu, cồn từ quả chuối bằng phương pháp lên men” mục đích tạo ra rượu chuối chất lượng cao, chứa ít độc tố, tạo ra cồn để phục vụ y tế và nhiều mục đích khác, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thành viên nhóm nghiên cứu sản xuất rượu từ quả chuối
Em Hoàng Thị Lan Anh, lớp 11A, Trường THPT Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn cho biết: Để tạo ra rượu chuối, nhóm nghiên cứu sử dụng nguyên liệu là chuối tây, men thuốc bắc thủ công truyền thống do người dân tộc Dao tại xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn sản xuất. Dụng cụ để sản xuất rượu chuối gồm: máy nghiền chuối, chum ủ nguyên liệu, nồi chưng cất, can đựng … Bên cạnh đó, chúng em đã tự nghiên cứu, đưa máy lọc rượu vào quy trình sản xuất. Máy lọc rượu gồm 6 cốc lọc (gấp đôi số cốc lọc mà các máy hiện có trên thị trường đang sử dụng) mỗi cốc có tác dụng lọc riêng để cho ra thành phẩm không chứa những chất độc vốn có trong rượu thủ công truyền thống như: andehit, methanol và các tạp chất khác.
Tiến hành sản xuất, nhóm nghiên cứu sử dụng chuối tươi vừa chín tới. Nguyên liệu được sơ chế bằng cách bóc vỏ, rửa sạch rồi phơi hoặc sấy đến khi độ ẩm chỉ còn khoảng 60%. Khi chuối đạt được độ khô theo yêu cầu thì tiến hành nghiền nhỏ và trộn với men. Bột chuối sau khi trộn đều với men thì tiến hành ủ ở nơi thoáng mát. Sau 20 ngày tiến hành chưng cất hỗn hợp chuối đã lên men, rượu thu được sau khi chưng cất tiếp tục được chạy qua máy lọc để loại bỏ andehit, methanol và các tạp chất. Nhờ đó rượu thành phẩm trong hơn, không lẫn tạp chất. Đặc biệt, từ rượu thu được nhóm nghiên cứu có thể tinh chế thành cồn để sử dụng vào mục đích y tế và nhiều mục đích khác.
Em Đặng Thị Ngọc Ánh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Hiện mỗi kilogram chuối nhóm thu mua là 5.000 đồng/kg. Để sản xuất ra 150 lít rượu chuối thì cần 750 kg chuối, cùng những chi phí về nguyên liệu, nhân công, chất đốt, bao bì… hết khoảng 5 triệu đồng. Hiện nay, chúng em đang bán rượu chuối thành phẩm với giá 60.000 đồng/lít. Từ 150 lít chúng em thu về số tiền 9 triệu đồng, trừ các chi phí còn thu lãi khoảng 3 triệu đồng.
Bước đầu sản xuất và cho sản phẩm rượu chuối ra thị trường, nhóm nghiên cứu đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng như: rượu êm, có mùi chuối đặc trưng, sau khi uống không bị mệt mỏi kéo dài, đau đầu như những loại rượu khác… Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2022 – 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, dự án “Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu, cồn từ quả chuối bằng phương pháp lên men” của nhóm học sinh Trường THPT Vũ Lễ đã vượt qua hơn 100 đề tài, dự án, sản phẩm và đoạt giải ba.
Ý kiến ()