Chế biến nông sản sau thu hoạch: Góp phần nâng giá trị sản phẩm
– Thời gian qua, bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch. Từ đó, tạo ra những sản phẩm đa dạng, góp phần nâng giá trị sản phẩm.
Lạng Sơn có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản đặc sản, nhưng chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, giá thành chưa cao. Nhận thấy việc sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch là vấn đề quan trọng để nâng cáo giá trị sản phẩm, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc để chế biến nông sản.
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý chế biến thạch theo từng công đoạn
Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định đã liên kết với người dân bao tiêu cây thạch đen để sản xuất bột thạch. Ông Hà Viết Quý, Giám đốc công ty cho biết: Nhận thấy trên địa bàn xã Kim Đồng có diện tích trồng thạch đen lớn nhưng giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định. Năm 2017, tôi quyết định thành lập công ty, mở xưởng chế biến và thu mua thạch đen cho bà con với giá ổn định để sản xuất bột thạch xuất bán sang Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo đó, đến năm 2019, công ty đã đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, dây truyền hiện đại theo công nghệ Đài Loan với kinh phí hơn 30 tỷ đồng để chế biến bột thạch. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 tấn bột thạch, đem lại doanh thu hơn 5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 45 lao động trên địa bàn huyện với mức thu nhập đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Còn Công ty TNHH Thương mại Thành An, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng lại đầu tư chế biến sản phẩm mỳ ngô tách đường. Ông Nông Ngọc Trung, Giám đốc công ty cho biết: Nhận thấy mỳ ngô tách đường phù hợp với người ăn kiêng, đặc biệt, sản phẩm được chế biến từ ngô dễ ăn và có thể sử dụng hằng ngày nên năm 2018, tôi đã nghiên cứu đầu tư máy nghiền, máy trộn, sấy, máy tách đường… với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do được đầu tư chế biến, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường mở rộng trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất và tiêu thụ trên 3.600 tấn mỳ, doanh thu trên 700 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương.
Đây chỉ là hai trong nhiều đơn vị mạnh dạn đầu tư chế biến sản phẩm từ nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện, toàn tỉnh có 23 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản thuộc chi cục quản lý. Việc chế biến nông sản đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng giá trị sản phẩm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Liên MC (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Qua nghiên cứu các sản phẩm về mắc ca, năm 2016, tôi đã thành lập công ty và đầu tư máy móc chế biến hạt mắc ca sấy khô. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ không những được mở rộng mà giá trị sản phẩm cao hơn rất nhiều so với khi chưa chế biến. Nếu như đối với quả mắc ca tươi có giá dao động 40 đến 50 nghìn đồng/kg, thì sau khi chế biến hạt mắc ca sấy khô có giá 260.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Công Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS, thời gian gần đây, các cơ sở chú trọng đầu tư máy móc để sơ chế, chế biến nông sản giúp sản xuất ra các sản phẩm đa dạng, nâng cao giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tạo đầu ra nông sản ổn định cho người dân, góp phần hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở này, thời gian qua, chi cục đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn kiến thức cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hỗ trợ hình thành các chuỗi sản xuất an toàn tại các HTX, đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm được chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, việc phát triển các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những hiệu quả nhất định, tuy nhiên, chưa đáp ứng hết tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, hỗ trợ và thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ý kiến ()