Chế biến lâm sản: Giải quyết bài toán nguyên liệu
(LSO) – Lạng Sơn có điều kiện thuận lợi để phát triển lâm nghiệp, theo đó, lĩnh vực khai thác, chế biến lâm sản cũng có triển vọng phát triển tốt. Tuy nhiên, giá trị kinh tế trong lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là chưa chủ động được nguyên liệu tại chỗ.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 171 cơ sở chế biến và kinh doanh lâm sản, với các loại hình hoạt động: sản xuất ván ép, đóng đồ mộc, xẻ gỗ, bóc gỗ, băm dăm,… với nhu cầu của thị trường xuất khẩu, các cơ sở chuyên bóc gỗ làm nguyên liệu cho các nhà máy ván ép, ván dán xuất khẩu đang ngày một tăng về số lượng.
Tuy nhiên, hơn 90% các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên công nghệ chế biến và hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu của ngành chế biến lâm sản, nhất là công nghiệp chế biến gỗ còn hạn chế, việc liên kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Những năm gần đây, tổng khối lượng gỗ rừng trồng khai thác toàn tỉnh dao động trên dưới 90.000 m3/năm, chủ yếu là bạch đàn, thông và keo. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng khối lượng gỗ khai thác đạt 35.577 m3. Sản lượng này mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất gỗ bóc xuất khẩu trên địa bàn xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng
Hữu Lũng là huyện có số cơ sở gỗ bóc và sản xuất ván ép, ván dán xuất khẩu lớn nhất tỉnh với 33 cơ sở, trong đó chỉ có 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất thành phẩm xuất khẩu, còn lại là các cơ sở bóc gỗ quy mô hộ gia đình cung cấp nguyên liệu ván bóc cho các nhà máy và các đầu mối thu mua ván bóc xuất khẩu. Thời gian qua, trên địa bàn huyện luôn xảy ra tình trạng các cơ sở chế biến của huyện phải nhập nguyên liệu từ tỉnh khác.
Như trường hợp của Công ty TNHH Lâm sản Thành An Lạng Sơn tại xã Đồng Tân. Công ty chuyên về bóc gỗ và sản xuất ván ép xuất khẩu qua thị trường các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Úc… Thời gian qua, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của công ty được nhập chủ yếu từ tỉnh Nghệ An, nguyên liệu nhập tại chỗ đáp ứng không đến 30% nhu cầu sản xuất.
Theo ông Triệu Văn Vắn, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng, đây là thực trạng thường xuyên xảy ra ở nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn huyện. Nguyên nhân được đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa ra chính là sự thiếu liên kết giữa vùng nguyên liệu – nhà máy chế biến và số lượng cơ sở chế biến gỗ tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây nên sản lượng gỗ không đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, các công ty lớn ở các tỉnh như: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang cũng đến địa bàn huyện để thu mua nguyên liệu.
Trong 5 năm trở lại đây, cơ cấu các loại cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh theo hướng chú trọng trồng các loài cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao như: thông, keo, bạch đàn cao sản; phương pháp canh tác đã dần chuyển sang thâm canh, bước đầu hình thành một số hoạt động liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến. Đến nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh khoảng 215.000 ha, đã hình thành khá rõ các vùng sản xuất tập trung chuyên canh các loại cây trồng chính như: vùng trồng thông ở Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc với diện tích 108.000 ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình lập, Bắc Sơn với diện tích 45.000 ha;…
Theo thống kê của ngành công thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh đang trên đà tăng trưởng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt kim ngạch 15,2 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2018. Với giá thành xuất khẩu không có sự biến động lớn cho thấy sản lượng sản xuất đã tăng khá lớn, điều này kéo theo nhu cầu về nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất ngày một cao.
Theo ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển bền vững sản xuất lâm nghiệp, cần có sự liên kết hiệu quả, ổn định giữa các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp với người trồng rừng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến lâm sản và người trồng rừng cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp cần triển khai, thực thi có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lâm nghiệp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng về phát triển lâm nghiệp.
Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh trồng rừng mới 9.707,6 ha, vượt 7,9% kế hoạch. Trong đó, trồng rừng tập trung 5.983,4 ha; trồng cây phân tán 3.724,2 ha. Huyện Hữu Lũng có diện tích trồng rừng mới đạt cao nhất trên địa bàn tỉnh với diện tích 1.672,9 ha, vượt 23,4% kế hoạch. |
ANH DŨNG – ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()