LSO-Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng có tới hàng trăm tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến gỗ rừng trồng tại chỗ. Điều đó đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm gỗ. Vượt xa hơn thế là tạo đòn bẩy cho nghề rừng phát triển. Sản xuất gỗ ép tại Công ty Hòa ViệtNhớ lại mấy năm trước đây, mỗi lần về Hữu Lũng anh Vũ Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện lại than phiền với tôi, gỗ rừng lại khó bán chú ạ. Các hộ làm rừng, đến công ty lớn như Thịnh Lộc, Hòa Việt cũng đang kêu với huyện vì đầu ra. Anh em phòng Kinh tế đang phải dồn sức mời gọi tiêu thụ. Nhưng có lẽ đây đã là câu chuyện cũ. Khi ấy nghề rừng ở Hữu Lũng mới phát triển. Dân có gỗ rừng được khai thác họ phải bán sản phẩm thô nên giá cả rất thấp. Đã vậy lại mạnh ai nấy làm không căn cứ vào tình hình thị trường, dẫn đến sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Nhân đà này, tư thương càng có điều kiện ép...
LSO-Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng có tới hàng trăm tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến gỗ rừng trồng tại chỗ. Điều đó đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm gỗ. Vượt xa hơn thế là tạo đòn bẩy cho nghề rừng phát triển.
Sản xuất gỗ ép tại Công ty Hòa Việt
Nhớ lại mấy năm trước đây, mỗi lần về Hữu Lũng anh Vũ Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện lại than phiền với tôi, gỗ rừng lại khó bán chú ạ. Các hộ làm rừng, đến công ty lớn như Thịnh Lộc, Hòa Việt cũng đang kêu với huyện vì đầu ra. Anh em phòng Kinh tế đang phải dồn sức mời gọi tiêu thụ. Nhưng có lẽ đây đã là câu chuyện cũ. Khi ấy nghề rừng ở Hữu Lũng mới phát triển. Dân có gỗ rừng được khai thác họ phải bán sản phẩm thô nên giá cả rất thấp. Đã vậy lại mạnh ai nấy làm không căn cứ vào tình hình thị trường, dẫn đến sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Nhân đà này, tư thương càng có điều kiện ép giá. Không ít hộ rơi vào cảnh bán cũng dở, không bán càng dở hơn. Họ cũng quen dần với hình ảnh gỗ đã khai thác xếp đống chờ thành củi. Trong khó khăn ấy, huyện đã ra nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo và phát triển nghề rừng vào những năm 2000. Một trong những khâu đột phá là tập trung khai thác chế biến tại chỗ. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của trồng rừng nguyên liệu. Khi đầu tư vào chế biến tại chỗ bắt buộc phải đầu tư vào máy móc, như bóc, băm dăm, xẻ. Với hướng đi tắt đón đầu, nhiều công ty như Tuân Nguyệt, Hòa Việt bắt đầu mở xưởng.
Theo anh Nguyễn Văn Việt một chủ chế biến gỗ, khi mới mở xưởng chỉ là võ đoán theo bạn hàng gỗ. Thông tin chỉ có mỗi một dòng: “Nước bạn đang đóng cửa rừng để chuẩn bị cho Thế vận hội 2008”. Cũng may đó là thông tin có giá trị. Ngay sau đó, rất nhiều bạn hàng tìm nguồn gỗ xuất khẩu. Khi thấy các xưởng chế biến tại chỗ họ chấp nhận ngay. Cũng từ đó có một mức chênh lệch về thu nhập khá lớn trên thị trường gỗ rừng trồng. Ví như 1 khối gỗ đã bóc có giá trị gấp 2,5 lần bán sản phẩm thô, trong khi đó giá trị đầu tư ban đầu khá thấp. Thế là hàng loạt các xưởng chế biến tại chỗ ra đời. Thậm chí đến các xã vùng 3 như Tân Lập, Quyết Thắng cũng có xưởng. Nhiều nông dân có rừng cũng đầu tư chế biến. Chỉ trong vòng 5 năm, hàng trăm xưởng chế biến gỗ trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã ra đời. Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty tận Nhật Bản, Ma Lai cũng tìm về Hữu Lũng để đặt hàng. Với những thị trường “khó tính”, họ đòi hỏi quy cách cao nên người dân bắt đầu biết đầu tư làm đẹp sản phẩm, tăng giá trị khi xuất hàng. Có chế biến tại chỗ, người dân không còn phải long đong tìm nơi bán hàng, điều này đã tạo điều kiện cho nghề rừng ở Hữu Lũng phát triển.
Giờ đây về Hữu Lũng có thể rất dễ dàng nhận ra từng thửa đất bờ đường, hàng rào, hay vườn nơi công sở, nhà dân đều được phủ kín bằng bạch đàn, keo. Vậy nên trồng rừng mỗi năm ở Hữu Lũng, đạt gần 2.000 ha, khai thác đạt gần 10.000 m3 gỗ. Cũng không đâu như ở Hữu Lũng bất kể xã nào cũng có vườn ươm, có những gia đình trồng vài chục ha rừng như anh Nguyễn Ngà ở Cai Kinh, anh Nguyễn Văn Thắng ở Tân Lập. Không ít hộ đạt thu nhập 100 triệu đồng sau một chu kỳ trồng rừng. Theo anh Nguyễn Văn Việt – một chủ chế biến gỗ tại xã Đồng Tân, nếu qua chế biến sẽ tăng giá trị của gỗ lên gấp 1,5 lần, vì vậy rất nhiều người dân tự đầu tư máy móc vào bóc, sấy hoặc băm dăm. Gỗ gắn với chế biến ngay tại cửa rừng đã hình thành nhiều dịch vụ về nghề rừng như bán đấu thầu, bán gỗ cây đứng, chế biến, môi giới…Qua đó đã tạo thêm công ăn việc làm dần hình thành các hợp tác xã tự nguyện. Với Hữu Lũng đây là một điều khá mới mẻ, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển. Ngay tại thời điểm này, rất nhiều người dân ở các xã vùng xa như Tân Lập, Thiện Kỵ, Hòa Sơn, Đô Lương đã gắn kết với nhau từ trồng, chế biến và tiêu thụ. Những điều ấy đã tạo sức bật cho nghề trồng, chế biến phát triển rừng.
Về Hữu Lũng lần này, trao đổi với nhiều nông dân có rừng tại Hữu Lũng, họ đều có nguyện vọng đầu tư chế biến, xuất bán thành phẩm. Đây là một hướng đi đúng khi trước mắt Hữu Lũng đang có diện tích rừng sản xuất lớn. Điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động đang rõ nét. Tất cả thuận lợi ấy sẽ tạo đà cho nghề rừng phát triển ổn định và bền vững.
Đông Bắc
Ý kiến ()