Chế biến gỗ bóc: Hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở Minh Sơn
– Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, khoảng 5 năm trở lại đây, nghề chế biến gỗ bóc ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng đã phát triển mạnh mẽ, qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.
Xã Minh Sơn hiện có trên 1.830 ha đất lâm nghiệp (chiếm 52,6% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã), trong đó, đất rừng sản xuất là 1.805 ha. Những năm qua, công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng luôn được chính quyền và Nhân dân trong xã quan tâm thực hiện tốt. Trung bình mỗi năm, toàn xã trồng mới trên 50 ha rừng. Từ nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào này, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến gỗ bóc tại địa phương. Nếu như năm 2010, toàn xã chỉ có 5 xưởng chế biến gỗ bóc nhỏ lẻ thì đến nay, toàn xã có 21 xưởng với dây chuyền sản xuất hiện đại, chiếm hơn 1/3 tổng số xưởng chế biến gỗ bóc trên địa bàn huyện Hữu Lũng.
Công nhân tại xưởng chế biến gỗ bóc tại thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn phơi sản phẩm
Ông Vũ Xuân Hòa, thôn Cã Ngoài cho biết: Gia đình tôi mở xưởng chế biến gỗ bóc từ năm 2013. Tuy nhiên, khi đó, máy móc công suất nhỏ, tốc độ chậm, năng lực sản xuất chưa cao. Đầu năm 2020, tôi đầu tư dây chuyền sản xuất mới trị giá trên 400 triệu đồng, nhờ đó, năng suất tăng từ 150 m3 lên 200 m3 ván gỗ bóc thành phẩm/tháng. Thị trường tiêu thụ gỗ bóc chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Với giá trung bình 2 triệu đồng/m3, sau trừ chi phí, mỗi tháng, tôi lãi hơn 20 triệu đồng. Hiện tại xưởng chế biến gỗ bóc của gia đình đang tạo việc làm cho 12 lao động địa phương.
Được biết, mỗi năm, các cơ sở chế biến gỗ bóc này đã tiêu thụ hàng nghìn mét khối gỗ nguyên liệu trên địa bàn xã, các xã lân cận và một số huyện trên địa bàn tỉnh. Không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, nghề chế biến gỗ bóc còn góp phần tạo việc làm cho trên 250 lao động tại xã (10 đến 12 công nhân/xưởng) với thu nhập cao. Trung bình mỗi dây chuyền sản xuất cần 6 lao động đứng máy thực hiện công đoạn chế biến, bóc gỗ và từ 6 đến 8 lao động thực hiện công đoạn vận chuyển, phơi gỗ.
Chị Đặng Thị Sinh, thôn Đình Bé cho biết: Từ đầu năm 2021, khi xưởng chế biến gỗ bóc của ông Nguyễn Văn Quynh, thôn Cã Ngoài mới đi vào hoạt động tôi đã xin làm việc tại đây. Công việc chính của tôi là mang những tấm ván đã được bóc, tách đi phơi khô và xếp vào kho. Công việc không quá vất vả lại gần nhà, làm xong việc được khoán ở xưởng, tôi còn tranh thủ làm thêm được ruộng vườn. Nhờ công việc này, tôi có thêm từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng để lo cho các con ăn học.
Mặc dù các xưởng chế biến gỗ bóc trên địa bàn xã chỉ có quy mô hộ gia đình nhưng đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trung bình, các chủ cơ sở có thu nhập từ 250 đến 350 triệu đồng/năm; người lao động có thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lý Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: Các xưởng chế biến gỗ bóc trên địa bàn xã đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, tăng giá trị kinh tế cho gỗ rừng trồng. Để các cơ sở chế biến gỗ bóc hoạt động hiệu quả, bền vững, trung bình mỗi năm, chính quyền xã phối hợp với các cơ quan liên ngành của huyện (kiểm lâm, thuế, công an) kiểm tra từ 3 hoặc 4 cuộc, qua đó, các xưởng chế biến gỗ cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, nguồn gốc các loại gỗ… Đồng thời, đoàn kiểm tra tiến hành nhắc nhở, đề nghị chủ các cơ sở thực hiện đầy đủ quy định về an toàn lao động cũng như cam kết bảo vệ môi trường.
Từ năm 2020, toàn bộ lượng rác phụ phẩm từ hoạt động chế biến gỗ bóc trên địa bàn được thu gom sản xuất thành viên than nén nên không còn tình trạng ô nhiễm do đốt rác phụ phẩm như trước. Cùng đó, ngay từ đầu năm 2021, chủ các cơ sở đã xây dựng phương án và đảm bảo thực hiện theo phương án đã được phê duyệt về công tác phòng, chống dịch COVID – 19, qua đó cho thấy góp phần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Ý kiến ()