“Cháy” vắc - xin phòng dại, người dân lo lắng
LSO-Từ đầu năm đến nay, số lượng người đến Trung tâm Y tế dự phòng (nay là Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để tiêm phòng dại rất đông. Song do tình trạng thiếu vắc - xin nên không thể đáp ứng nhu cầu.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc – xin phòng dại cho người dân |
Từ hy vọng đến thất vọng…
Sáng dậy thật sớm để bắt xe khách từ Thất Khê về thành phố Lạng Sơn, bà Bế Thị Hồng, xã Kháng Chiến (Tràng Định) hy vọng được tiêm mũi 3 để hoàn thành các liều tiêm phòng dại. Song đến nơi, cán bộ trung tâm nói là hết vắc – xin và xin số điện thoại để khi… có thì gọi. Bà rất lo lắng: “ Tôi bị chó nghi dại cắn, đã tiêm được 2 mũi, nay khất thế này, liệu có đảm bảo phòng bệnh không?”. Cố nhớ số máy của con để cung cấp cho cán bộ, bà nói rằng nếu vài ngày nữa chưa “được gọi” thì có lẽ phải về Hà Nội để liên hệ tiêm.
Cũng như bà Hồng, với vẻ mặt thất vọng, hai vợ chồng anh Nông Văn Thắng (xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng) nói với chúng tôi: “Cháu bị chó nhà hàng xóm cắn chỉ sượt da rớm máu, nhưng lo nhiễm dại nên hai vợ chồng gửi con nhỏ ở nhà, đi từ 4 giờ sáng lên đây hy vọng được tiêm, thế mà lại hết thuốc. Cán bộ Trung tâm xin số máy để liên hệ, nhưng chẳng biết khi nào mới có thuốc tiêm.” Nhiều người khuyên anh chị nên về Bắc Giang, nhưng chị nói ở nông thôn miền núi về Bắc Giang biết liên hệ ở đâu được.
Theo quan sát của chúng tôi, mới 9 giờ sáng ngày 30/3/2018, tại điểm tiêm dịch vụ của trung tâm đã có hàng chục người đến với sự hy vọng, song chỉ nhận được câu trả lời “hết vacxin”. Họ lại quay ra với vẻ mặt thẫn thờ…
Khan hiếm vắc – xin phòng dại
Được sự chỉ đạo của ngành y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động liên hệ các nguồn vắc – xin, nhất là vắc – xin phòng dại để phục vụ người dân. Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: vắc – xin phòng dại hiện rất khan hiếm, hầu như từ khi có các chỉ thị về cấm chó thả rông, các nhà nhập khẩu đã hạn chế nhập loại vắc – xin này, vì lo không tiêu thụ được. Song thực tế lại khác, việc cấm chó thả rông thì cứ cấm, nhưng người dân vẫn chưa thực hiện đeo rọ mõm cho chó khi ra đường và tiêm phòng dại cho chó.
Chế tài xử phạt đã có song do tình trạng thả rông chó diễn ra tràn lan không chỉ ở nông thôn mà còn ở cả khu vực thành phố nên chính quyền cơ sở cũng buông lỏng. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm người bị chó cắn.
Mặc dù đã có khuyến cáo rằng trước hết phải theo dõi con chó đó trong vòng 10 ngày, nếu nó không ốm, không mắc dại thì người bị cắn không cần đi tiêm. Song tâm lý người dân cứ bị chó cắn là phải đi tiêm ngay. Do toàn tỉnh chỉ có 1 điểm tiêm dịch vụ phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nên mỗi ngày có từ 25-30 người đến để được tiêm. Nếu tháng 1 và 2, trung tâm còn vắc – xin để phục vụ đủ theo nhu cầu, thì trong tháng 3 vắc – xin đã bắt đầu “cạn” và không có nguồn để bổ sung và đến nay đã hết sạch.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sẽ tích cực chỉ đạo cán bộ liên hệ nguồn hàng theo nhiều kênh khác nhau để phục vụ cho người dân. Tuy vậy, trước mắt chưa có những tín hiệu khả quan về nguồn vắc – xin này. Và như vậy, để được tiêm phòng, người dân vẫn phải tự mình chủ động tìm các điểm tiêm ngoài tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên hoặc Hà Nội để tiêm phòng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()