Ngày 14-3-2010, cầu được khởi công xây dựng, dự kiến tháng 10-2012 hoàn thành và đưa vào sử dụng đồng bộ với dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa vào Hà Tĩnh. Hiện các nhà thầu đều nỗ lực vào cuộc, vượt qua khó khăn, chạy đua với thời gian nhằm bảo đảm tiến độ thi công.
Cầu Bến Thủy 2 được xây dựng từ Km 24 120 thuộc xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đến Km 18 500 QL8 B thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và nằm cách cầu Bến Thủy 800 m về phía thượng lưu. Khó khăn lớn nhất đối với chủ đầu tư là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đó cũng là nỗi lo của hầu hết các nhà thầu. Không có mặt bằng sạch dù thi công theo hình thức cuốn chiếu trong điều kiện thời tiết diễn ra thuận lợi cũng khó có thể hoàn thành tiến độ theo dự kiến. So với Hà Tĩnh, GPMB ở tỉnh Nghệ An diễn ra tương đối trôi chảy, nhưng phải đến ngày 28-8-2010, mặt bằng phía bắc cầu mới được bàn giao. Thách thức lớn nhất đối với công tác GPMB nằm ở phía nam cầu vì liên quan 400 hộ dân, trong đó có 133 hộ thị trấn Xuân An, Nghi Xuân thuộc diện phải di dời, tái định cư. Nhất là, khu dân cư và doanh nghiệp chung quanh nút giao giữa đường dẫn phía nam và quốc lộ 1. Hiện nay, Hà Tĩnh đang chỉ đạo huyện Nghi Xuân triển khai quyết liệt việc xây dựng khu tái định cư và tổ chức di dời các hộ dân ở đây để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư vào đầu quý III này.
Công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dù được ưu tiên đặc biệt nhưng do nằm trong tình hình chung, nên đến nay, vốn mới được cấp khoảng 50% nhu cầu và khối lượng hoàn thành. Trong lúc vật giá leo thang, nhiều nhà thầu không đủ tài chính để tích trữ vật tư, thiết bị phải ăn đong, nên khó bảo đảm tiến độ thi công. “Chưa kể sau khởi công xây dựng không lâu, hai cơn “đại hồng thủy” đổ bộ vào khu vực miền trung khiến nhiều nhà thầu điêu đứng. Những giàn cầu bằng thép phục vụ cho khoan cọc nhồi của các đơn vị thi công phần trụ chính bị nước lũ cuốn trôi. Số ít còn lại cũng bị xoắn vỏ đỗ”, như lời Trưởng Ban Quản lý dự án cầu Bến Thủy 2 Trần Quang Dần nhớ lại.
Kể từ khi đưa vào sử dụng (1990), cầu Bến Thủy đã góp phần quan trọng trong giao thông đi lại và phát triển kinh tế của cả nước nói chung, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, do quá trình khai thác cũng như do tác động của thiên nhiên, cầu Bến Thủy đã xuống cấp nghiêm trọng không thể đáp ứng năng lực vận tải hiện tại và tương lai. Cầu Bến Thủy 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm giảm bớt lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông qua cầu Bến Thủy, đồng thời phù hợp quy hoạch phát triển giao thông đường bộ quốc gia. Cầu được thi công theo công nghệ hiện đại (đúc hẫng) nhằm nâng cao tải trọng chịu lực. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cầu Bến Thủy 2, các nhà thầu tham gia thi công hầu hết là đơn vị có uy tín, thương hiệu mạnh của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 và 5 đã vào cuộc với một khí thế khẩn trương và quyết liệt.
Sông Lam phía thượng nguồn cầu Bến Thủy như đang bé nhỏ lại, bởi hàng trăm phương tiện, xe máy trên bờ và hàng chục chiếc sà-lan chở đầy thiết bị ở dưới nước cùng những chiếc cần cẩu vươn tầm… Tất cả đang hối hả chạy đua với thời gian, hoàn thành những hạng mục: trụ đường dẫn, mố cầu, trụ chính… Nếu phần thi công các hạng mục trên bờ bảo đảm tiến độ 1 thì phần ở dưới nước phải ưu tiên tiến độ gấp 2 – 3 lần, phấn đấu toàn bộ hạng mục ở dưới lòng sông phải hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay… Chính vì thế, các gói thầu thi công hai trụ cầu chính giữa sông là tâm điểm của việc chạy đua thời gian. Ở đây, tuy không có đồng hồ đếm ngược thời gian nhưng ngày 30-9 năm nay là cái đích phải hoàn thành hai trụ cầu này. Trở ngại lớn nhất đối với thi công cầu Bến Thủy 2 là nguồn nước bị nhiễm mặn, vì vậy, các đơn vị đảm nhiệm phần trụ cầu phải vận chuyển nước thi công từ thành phố Vinh đến. Nhưng đó chưa phải là tất cả, đáy sông Lam có tầng địa chất phức tạp, bùn non và đá cứng. Cường độ đá rắn gấp hai lần so với mức trung bình. Lại phải khoan nhồi cực sâu so với các công trình khác, hiện có khoảng hơn 300 cọc khoan nhồi sâu 65 m so với mực nước biển. Có ngày đơn vị thi công chỉ khoan được 1 m… Tiến độ và chất lượng thi công dưới nước được chủ đầu tư giám sát chặt từng ngày. Nếu vì lý do gì đó mà ngày hôm nay không hoàn thành tiến độ, qua giao ban, nhà thầu buộc phải ép tiến độ, vượt kế hoạch của những ngày sau để bù lại…
Lẫn trong tiếng ầm ầm của búa máy, giọng Chỉ huy trưởng gói thầu 3.5 (do Công ty CP 479 đảm nhiệm) thi công trụ cầu chính thứ nhất Lê Tuấn Anh trở nên khó nghe. Anh nói: “Bình thường chúng tôi chỉ khoan cùng lúc bốn cọc. Nay do áp lực thời gian, phải tăng cường thêm thiết bị thi công hiện đại để khoan cùng lúc 36 cọc. Khoan cọc nhồi đến đâu phải đổ bê-tông đến đấy, nếu không cát sẽ bồi lắng. Ngày 30-9 phải hoàn thành trụ cầu là điều kiện bắt buộc. Chúng tôi phấn đấu về đích đúng thời gian cùng chất lượng bảo đảm cho công trình thế kỷ này”. Không khí làm việc tại cột trụ chính thứ 2 (Công ty CP 473) cũng không kém phần khẩn trương để bù lại quãng thời gian mà thiên nhiên đã “cướp” đi qua hai đợt mưa lũ tháng 10 năm trước. Đội trưởng thi công Phan Đức Thế khẳng định: “Những khó khăn đối với việc khoan cọc nhồi là rất rõ. Nhưng chúng tôi đã rút lực lượng kỹ thuật và phương tiện từ các dự án khác tăng cường cho công trình này, phấn đấu quyết tâm hoàn thành hạng mục đúng tiến độ như đã cam kết”… Các nhà thầu đến nay đã đạt 50% khối lượng thi công phần cầu, và cơ bản hoàn thành phần khoan cọc nhồi, đổ bê-tông hai trụ chính ở giữa lòng sông.
Trưởng Ban Quản lý dự án cầu Bến Thủy 2 Trần Quang Dần cho biết: Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB; đồng thời giám sát chặt tiến độ, chất lượng, động viên các nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa công trình vào hoàn thành và sử dụng quý IV-2012.
Ý kiến ()