Châu Thành mở hướng phát triển kinh tế từ cây thanh long
Kiểm tra sự phát triển của trái thanh long tại huyện Châu Thành. Từ nhiều năm nay, nhờ cây thanh long, thu nhập của người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An ngày một khá hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.Cây thoát nghèoAnh Nguyễn Văn Á, ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành phấn khởi cho biết, từ ngày gia đình anh cùng nhiều hộ dân trong huyện trồng cây thanh long trái vụ bằng hình thức xông đèn, kinh tế gia đình anh ngày một đi lên. Trước đây, khi chưa "bén duyên" với cây thanh long, anh Á sử dụng hai công đất của mình để trồng lúa. Nhưng với diện tích đất ít ỏi, cho nên dù vợ chồng có chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống vẫn không khá hơn. Rồi thấy bà con chuyển qua trồng cây thanh long, anh cũng "liều" một phen. Ngay từ vụ đầu, anh đã thấy hiệu quả kinh tế của cây thanh long so với cây lúa. Rồi khi anh và người dân trong huyện học cách trồng thanh long trái vụ bằng...
Kiểm tra sự phát triển của trái thanh long tại huyện Châu Thành. |
Cây thoát nghèo
Anh Nguyễn Văn Á, ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành phấn khởi cho biết, từ ngày gia đình anh cùng nhiều hộ dân trong huyện trồng cây thanh long trái vụ bằng hình thức xông đèn, kinh tế gia đình anh ngày một đi lên. Trước đây, khi chưa “bén duyên” với cây thanh long, anh Á sử dụng hai công đất của mình để trồng lúa. Nhưng với diện tích đất ít ỏi, cho nên dù vợ chồng có chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống vẫn không khá hơn. Rồi thấy bà con chuyển qua trồng cây thanh long, anh cũng “liều” một phen. Ngay từ vụ đầu, anh đã thấy hiệu quả kinh tế của cây thanh long so với cây lúa. Rồi khi anh và người dân trong huyện học cách trồng thanh long trái vụ bằng hình thức xông đèn như nông dân tỉnh Bình Thuận, hiệu quả kinh tế lại càng thể hiện rõ hơn. Ắn nên làm ra, anh Á tiếp tục mua thêm ba công đất để trồng thanh long. Mỗi năm, năm công đất này đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng. Từ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có lúc tưởng phải cho con nghỉ học, nay gia đình anh Nguyễn Văn Á không chỉ có cuộc sống khá ổn định mà còn lo cho con vào đại học.
Không những hộ anh Á, nhiều hộ dân khác trong huyện Châu Thành cũng thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá nhờ cây thanh long. Gia đình anh Cao Văn Cư, ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội cũng là một trong những hộ dân như thế. Ngồi trong căn nhà ngói khang trang, anh Cư cho biết, trước đây chỉ là một căn chòi của hai vợ chồng. Là giáo viên tiểu học, nhưng vì cuộc sống khó khăn, cho nên anh Cư đành rời xa bục giảng để đi làm kinh tế nuôi gia đình. Chọn nghề đánh bắt cá, tuy vất vả nhưng cũng giúp cho gia đình anh sống qua ngày và nuôi ba đứa con ăn học. Rồi khi thấy bà con trong xã trồng cây thanh long mang lại hiệu quả, anh Cư sử dụng hết số tiền dành dụm được và vay thêm tiền ngân hàng để mua đất trồng thanh long. “Khi quyết định trồng thanh long, tôi có niềm tin rằng, giống cây này sẽ mang đến cho gia đình mình cuộc sống no ấm hơn. Và gần 20 năm qua, cây thanh long đã mang lại cho gia đình tôi cuộc sống như thế” – anh Cư tâm sự. Anh Cư cũng đã trả hết nợ và đang có ý định tiếp tục sửa lại nhà khang trang hơn. Hiện, bên cạnh trồng thanh long ruột trắng, anh Cư trồng thêm hai công thanh long ruột đỏ. Đây là giống thanh long mang lại giá trị kinh tế cao và đang được nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành đưa vào sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Danh cho biết, cây thanh long đã xuất hiện ở vùng đất này từ khá lâu. Nhưng trước đây, người dân chỉ xem loại cây này là cây ăn trái thông thường trong vườn nhà, chứ chưa xem nó là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến khi thị trường có nhu cầu, cây thanh long mới được người dân Châu Thành chú ý đến. Từ mỗi năm thu hoạch một vụ, nông dân Châu Thành bắt đầu chuyển qua trồng trái vụ để cho giá trị kinh tế cao. Người dân cũng chuyển từ trụ cây sang trụ bê-tông làm giảm bớt chi phí phân bón. Đến năm 2000, việc trồng cây thanh long đã được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ huyện Châu Thành, xem đây là cây phát triển chủ lực của huyện. Hiện, mỗi ha thanh long, trong một năm bà con thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. “Thanh long không chỉ giúp nông dân cải thiện thu nhập mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong việc xây dựng nông thôn mới” – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Danh khẳng định. Để kiểm nghiệm lời lãnh đạo huyện Châu Thành, chúng tôi về xã Dương Xuân Hội là nơi đầu tiên trên địa bàn huyện đưa thanh long vào sản xuất. Đây cũng là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giai đoạn 2011-2013. Toàn xã hiện có 240 hộ trồng thanh long với tổng diện tích 308 ha. Chính nhờ cây ăn quả này, tỷ lệ hộ khá giàu của xã đã tăng lên, hơn 90% trong năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 25 triệu đồng/người/năm. Đến nay, xã Dương Xuân Hội đã đạt 16 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội Nguyễn Văn Tới cho biết, xã đang tiến tới trở thành vùng chuyên canh thanh long. Nhiều năm qua, nhờ cây thanh long, bộ mặt nông thôn của xã đổi thay, thu nhập từng hộ gia đình ngày càng tăng, cho nên công tác xây dựng nông thôn mới của xã diễn ra thuận lợi.
Xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành
Để hỗ trợ cho nông dân trong việc tiêu thụ thanh long, nhất là nâng cao chất lượng thanh long, từng bước tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này, nhiều hợp tác xã (HTX) đã được thành lập và đi vào hoạt động tại huyện Châu Thành. Trong đó HTX Thanh Long Tầm Vu đã giải quyết khá tốt khâu tiêu thụ sản phẩm cho xã viên trong nhiều năm qua. Thành lập từ tháng 9-2008, đến nay, HTX đã có 70 xã viên với diện tích sản xuất 60 ha. Mỗi năm, HTX tiêu thụ hơn 3.000 tấn thanh long cho xã viên và phần lớn đều giao cho các mối hàng ở Bình Thuận, Bình Dương để xuất khẩu. Nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, các HTX trong huyện đã áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, Global Gap vào việc sản xuất cây thanh long. Chủ nhiệm HTX Thanh Long Tầm Vu Trương Quang An cho biết, từ khi thành lập HTX, ông đã tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho xã viên, nhất là áp dụng chương trình VietGap trong sản xuất thanh long. Qua các chương trình này, người dân được hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Chị Lê Thị Kim Chưởng, ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cho biết, từ khi tham gia HTX Thanh Long Tầm Vu, gia đình chị được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGap, nhờ đó đầu ra cho sản phẩm cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với chị và nhiều nông dân khác, trong khi sản xuất theo quy trình VietGap, Global Gap, bà con thường gặp khó khăn qua việc ghi chép sổ sách. Chị Kim Chưởng kể, do trình độ còn hạn chế cho nên vợ chồng chị thường vất vả khi ghi lại quá trình sản xuất năm công thanh long của mình. Chị thường thay chồng để cập nhật thông tin mọi thứ từ việc mua phân bón gì, ở đâu, đến thời gian chăm sóc hằng ngày. Dù làm bài bản nhưng do không quen với việc ghi sổ sách cho nên thường mất nhiều thời gian cho công đoạn này. Chủ nhiệm HTX Thanh Long Tầm Vu Trương Quang An cho biết, HTX thường mở rất nhiều lớp để hướng dẫn bà con ghi chép nhật ký sản xuất. Dù vậy, nhiều nông dân vẫn còn lúng túng. Thời gian tới, bên cạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho bà con trồng thanh long, HTX Thanh Long Tầm Vu sẽ tiếp tục kết nạp thêm xã viên để có điều kiện hỗ trợ bà con nhiều hơn trong tiêu thụ thanh long. Bên cạnh đó, năm 2012 này và thời gian tới, huyện Châu Thành mở rộng diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap từ 100 ha lên 500 ha, đồng thời giữ vững diện tích 30 ha đạt tiêu chuẩn Global Gap. Nếu thực hiện thành công theo tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm thanh long ở Châu Thành sẽ có cơ hội xuất khẩu mạnh vào các thị trường lớn, chứ không chỉ dừng lại ở thị trường Trung Quốc như hiện nay.
Hiện tại, diện tích trồng thanh long của huyện Châu Thành là 1.200 ha. Theo quy hoạch, Châu Thành sẽ mở rộng diện tích thanh long lên 1.500 ha, tập trung ở vùng trung tâm huyện gồm thị trấn Tầm Vu, xã Dương Xuân Hội, Long Trì, An Lục Long, hướng đến xây dựng đây là vùng chuyên canh thanh long. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Lê Minh Đức cho biết, tỉnh sẽ không mở rộng thêm diện tích thanh long mà chỉ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm của 1.500 ha thanh long tại huyện Châu Thành. Tỉnh đang quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành nhằm giúp cho cây thanh long Châu Thành nói riêng và tỉnh Long An nói chung phát triển hơn trong tương lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()