Châu Sơn: Phát huy thế mạnh đồi rừng
(LSO) – Tận dụng lợi thế, tiềm năng đất lâm nghiệp, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Châu Sơn, huyện Đình Lập đã tích cực tuyên truyền, định hướng người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Nhờ rừng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
Xã Châu Sơn có trên 8.556 ha đất lâm nghiệp, chiếm 88,6% diện tích đất tự nhiên. Tìm hiểu được biết: từ năm 1998 đến năm 2002, xã được nhà nước hỗ trợ, triển khai các dự án trồng rừng như: dự án 661, dự án trồng cây nhân dân (thông và keo) với diện tích vài chục ha ở một số thôn: Nà Van, Khe Mùn, Nà Nát. Sau đó, nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ năm 2004, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng nhằm khai thác hiệu quả đất lâm nghiệp. Cùng với đó, khi thấy một số hộ trồng rừng dự án có tiềm năng phát triển, người dân đã chủ động trồng rừng đại trà (năm 2005).
Người dân thôn Nà Van, xã Châu Sơn thu hoạch nhựa thông
Tuy nhiên, phải đến năm 2010, phong trào trồng rừng mới thực sự phát triển mạnh mẽ ở tất cả các thôn. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, xã trồng mới trên 100 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng của xã lên hơn 2.500 ha. Trong đó, thông (gần 700 ha); keo (gần 1.800 ha); bạch đàn (8 ha)…
Bà Lã Thị Ký, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định trồng rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, xã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo nhân dân tích cực đăng ký trồng rừng, sau khi khai thác tiếp tục trồng mới, trồng dặm. Đồng thời, hằng năm xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con; lồng ghép, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Hiện nay, bên cạnh việc phát triển trồng rừng, một số hộ còn tự ươm cây giống để mở rộng diện tích rừng của gia đình.
Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, bên cạnh việc hướng dẫn người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) theo Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Từ đó, người dân được “tiếp thêm sức mạnh” để yên tâm phát triển trồng rừng.
Hiện nay, tổng dư nợ từ NHCSXH và Ngân hàng NN&PTNT của xã khoảng 15 tỷ đồng với hơn 300 hộ vay. Trong đó, có 85% hộ vay vốn để đầu tư trồng rừng và đa phần các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Ông Ôn Văn Ninh, thôn Khe Cù phấn khởi chia sẻ: Năm 2001, tôi trồng 8 ha thông, năm 2005 trồng thêm 3 ha keo. Năm 2011, thu hoạch 3 ha keo, tôi thu hơn 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2014, tôi mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư trồng thêm rừng. Hiện nay, gia đình tôi có gần 30 ha rừng gồm: thông, keo, bạch đàn, trong đó có gần 20 ha thông và keo đang cho thu hoạch. Vừa qua, bán 8 ha keo, gia đình tôi thu về gần 500 triệu đồng. Nhờ rừng, cuộc sống của gia đình tôi hiện đã ổn định hơn trước rất nhiều.
Không chỉ riêng gia đình ông Ninh, hiện nay, trên địa bàn xã Châu Sơn có rất nhiều hộ gia đình đã và đang có thu nhập từ 150 – 300 triệu đồng/năm từ rừng. Tiêu biểu như các hộ: ông Đường Văn Sáng, thôn Nà Van; ông Giáp Văn Thủ, thôn Nà Nát; ông Vy Văn Hùng, thôn Khe Cù; bà Choóng Thị Lan, thôn Khe Mùn; ông Dương Phúc Tăng, thôn Khe Pặn Ngọn; ông Vy Văn Hỷ, thôn Nà Ý…
Cùng với phát triển trồng rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Hằng năm, xã chỉ đạo các thôn, bản thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép các kiến thức về chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong các buổi họp thôn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của bà con. Do đó, từ trước đến nay, trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Nhờ phát huy hiệu quả thế mạnh đồi rừng, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng nên hiệu quả từ rừng mang lại rất tích cực; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã là 20 triệu đồng/người/năm, tăng 9 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo hiện còn 41,7%, giảm 16,4% so với năm 2015.
TUỆ HƯƠNG
Ý kiến ()