Châu Sơn: Cải thiện đời sống nhờ chú trọng thực hiện chính sách dân tộc
LSO- Xã Châu Sơn là xã vùng 3 của huyện Đình Lập với 99% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, nhờ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như chương trình 135 mà bộ mặt nông thôn xã Châu Sơn đã có nhiều thay đổi, chất lượng cuộc sống của nhân dân nơi đây cũng được cải thiện.
Xã Châu Sơn hiện có 357 hộ với 1.624 nhân khẩu sống tại 11 thôn. Ngoài tuyến đường vào trung tâm xã đi lại thuận lợi thì phần lớn đường liên thôn trên địa bàn xã đã xuống cấp nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc nhân dân thiếu vốn để phát triển sản xuất và trình độ dân trí hạn chế khiến đời sống nhân dân càng khó khăn. Từ năm 2001, xã bắt đầu được nhận nguồn vốn đầu tư của nhà nước dành cho các xã vùng 3, xã đặc biệt khó khăn. Nhưng chỉ trong 5 năm trở lại đây, khi nguồn vốn đầu tư được phân bổ thường xuyên hơn, đồng thời nhiều chính sách dân tộc được đẩy mạnh thực hiện thì đời sống nhân dân mới thực sự thay đổi.
Nhân dân thuộc hộ nghèo thôn Khe Pặn Ngọn, xã Châu Sơn nhận gạo cứu đói
Theo nguồn vốn chương trình 135, mỗi năm xã Châu Sơn được phân bổ từ 800 triệu – 1 tỷ đồng nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, nhiều công trình lần lượt xây dựng như: công trình thủy lợi thôn Nà Van, thủy lợi Khe Phung – Nà Ý, trường mầm non xã, đường thôn Nà Nát, đường thôn Khe Pặn Ngọn. Trong đó, việc hoàn thành đường Khe Pặn Ngọn đã mang lại ý nghĩa đặc biệt cho nhân dân nơi đây. Thôn Khe Pặn Ngọn nằm trên đỉnh đồi cao cách trung tâm xã 14km, trước kia, đường vào thôn là đoạn đường mòn nhỏ hẹp, dốc cao, nếu mùa mưa trơn trượt thì không thể đi lại. Đường giao thông khó khăn khiến 31 hộ người Dao sinh sống tại đây không có điều kiện để phát triển kinh tế, 100% đều thuộc diện hộ nghèo. Từ năm 2011, nhờ nguồn vốn chương trình 135, tuyến đường vào thôn Khe Pặn Ngọn được đầu tư xây dựng trong niềm vui mừng của bà con nhân dân nơi đây. Ông Lý Hải Sâm – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết, do gặp khó khăn về địa hình dốc cao, quãng đường dài, cùng với đó tuyến đường chỉ có thể thi công khi có nguồn đầu tư, nên trong 3 năm liền từ năm 2011 – 2013, nguồn vốn đầu tư thuộc chương trình 135 được phân bổ về xã đều tập trung cho tuyến đường này. Cuối năm 2013, đường vào thôn Khe Pặn Ngọn được hoàn thành với tổng số vốn hơn 3 tỷ đồng, dài 11,8 km. Có đường giao thông đi lại thuận lợi, xã tiếp tục vận động nhân dân tại đây tận dụng thế mạnh về trồng cây lâm nghiệp. Theo kế hoạch trồng rừng năm 2014 của xã, thôn Khe Pặn Ngọn được giao chỉ tiêu 20 ha, đây là hoạt động có ý nghĩa giúp các hộ nghèo trên địa bàn xã có cơ hội phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Cùng với thôn Khe Pặn Ngọn, nhiều thôn khác trên địa bàn xã cùng được đầu tư cải tạo và xây mới đường giao thông, kết quả cho đến nay, 100% các thôn đã có đường ô-tô đi lại 4 mùa, mở rộng cơ hội trao đổi mua bán nông sản với địa phương khác. Song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo. Tính từ đầu năm đến nay, xã đã phát gạo cứu đói 2 đợt cho 28 hộ gồm 104 nhân khẩu với tổng số 1.560 kg gạo. Toàn bộ số gạo trên đã được hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo trên địa bàn xã nhằm đảm bảo không để hộ dân nào thiếu lương thực. Ngoài ra, thực hiện Quyết định 28 của UBND tỉnh, qua hoạt động rà soát hộ nghèo, trên địa bàn xã có 82 hộ người dân tộc Dao và Sán Chỉ được hỗ trợ trực tiếp vật tư nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại xã đã hoàn thành danh sách hỗ trợ và bước đầu thực hiện cấp phát cho nhân dân. Cùng với đó, công tác khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2014, xã đã khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho 261 lượt bệnh nhân; cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho 1.288 đối tượng, trong đó diện hộ nghèo là 677 thẻ, đồng bào dân tộc thiểu số là 611 thẻ.
Nhờ được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền mà đời sống nhân dân trên địa bàn xã được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực. Đến nay toàn xã 85% nhân dân được sử dụng điện và nước sạch, trong năm 2013, toàn xã có 11 hộ thoát nghèo.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()