Châu Phi không chỉ thiếu vaccine
Những khó khăn trong triển khai tiêm vaccine cùng tâm lý ngần ngại của người dân đang khiến châu Phi loay hoay tìm lời giải cho “bài toán” tiêm chủng ngừa Covid-19.
Khi một nhóm người đến trạm xá ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc hạt Narok, phía Tây Nam Kenya với mục đích tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhân viên y tế Mike Nalakiti buộc phải thông báo không còn liều nào và hẹn họ quay lại vào “một ngày sớm nhất”. Điều đó đồng nghĩa với việc, họ đã lãng phí nhiều giờ đi bộ rồi phải thất vọng ra về tay trắng.
Tuy nhiên, hạt Narok không hề thiếu vaccine bởi gần 14.000 liều lúc đó vẫn đang “yên vị” trong tủ lạnh ở thị trấn gần nhất so với ngôi làng, nhưng cách đó tới 115km. Theo Reuters, câu chuyện trên minh họa cho những thách thức mà nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt trong cuộc chiến với đại dịch: Nguồn cung vaccine đã có, nhưng không đồng nghĩa với việc người dân dễ dàng tiếp cận.
Lâu nay, châu Phi được biết đến là khu vực có thể bị bỏ lại phía sau vì tình trạng phân biệt đối xử về vaccine ngừa Covid-19 do các nước giàu nhanh tay mua hết phần lớn chế phẩm này. Nguy cơ này là có thật.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở thủ đô Dakar, Senegal. Ảnh: Reuters |
Theo trang Our World in Data, tính đến ngày 10-1, chưa đầy 15% trong tổng số hơn 1,3 tỷ người ở châu Phi được tiêm ít nhất một liều vaccine và mới chỉ 9% trong số đó tiêm đủ liều, thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu-những nơi đang thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường.
Ban đầu, vấn đề này được cho là do thiếu nguồn cung. Tính đến đầu tháng 11-2021, mới chỉ có 12% trong số 1,9 tỷ liều vaccine mà cộng đồng quốc tế cam kết phân bổ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần nhiều nằm ở châu Phi, được chuyển giao.
Tuy nhiên, dù các hãng dược phẩm tăng công suất sản xuất vaccine trên toàn thế giới, đồng thời cơ chế COVAX và nhiều nước thúc đẩy chia sẻ vaccine cho châu Phi thì tỷ lệ tiêm chủng tại châu lục này vẫn rất thấp. Các chuyên gia cho biết, để tăng tỷ lệ tiêm phòng tại châu Phi thì việc cung cấp một số lượng lớn vaccine là chưa đủ.
Hầu hết các quốc gia châu Phi đều tiếp nhận vaccine thông qua cơ chế COVAX. Nhưng khi Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII)-nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới-gặp khó khăn trong khâu sản xuất và bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu sau làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng tại nước này, quá trình chuyển giao vaccine đã bị chậm lại. Đến nay, chỉ có khoảng 245 triệu liều đến với khu vực châu Phi hạ Sahara.
Nhiều nước phụ thuộc vào nguồn vaccine cho tặng, nhưng quá trình chuyển giao không được phối hợp tốt, trong đó có nhiều lô còn hạn sử dụng rất ngắn. Đơn cử như ở Nigeria-quốc gia đông dân nhất châu lục với 206 triệu người-đến nay mới tiêm chủng đầy đủ cho hơn 2% dân số, nhưng lại phải tiêu hủy hơn 1 triệu liều vaccine đã hết hạn ngay trước khi được đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, nhiều nước châu Phi có mạng lưới y tế vốn đã lạc hậu, yếu kém hoặc quá tải ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, do vậy, yêu cầu bảo quản vaccine ở nhiệt độ rất lạnh cũng làm gia tăng những khó khăn cho nỗ lực tiêm chủng.
Chưa kể, châu Phi còn là nơi đối mặt với thực trạng hệ thống giao thông xuống cấp, đội ngũ nhân viên y tế thiếu hụt trầm trọng và chưa được đào tạo bài bản. Nếu hầu hết thời gian trong năm 2021, châu Phi phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung, thì thời gian gần đây, châu lục này nhận khoảng 20 triệu liều vaccine mỗi tuần và dự kiến đến hết quý I-2022 sẽ nhận 850 triệu liều thông qua cơ chế COVAX.
“Vấn đề hiện nay đối với châu Phi không phải là thiếu vaccine mà là việc triển khai tiêm chủng”, Tiến sĩ Richard Mihigo, điều phối viên tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi nhận định.
Mặt khác, ngay cả khi có lượng vaccine dồi dào thì số người do dự về việc tiêm chủng trên khắp châu Phi vẫn khá cao. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho thấy, 25% trong số 15.000 người được hỏi tỏ ra hoài nghi về độ an toàn của vaccine. Thậm chí, chính một bộ phận khoác áo blouse trắng cũng có tư tưởng như vậy.
Theo WHO, trong khi tỷ lệ nhân viên y tế tiêm vaccine ở các nước có thu nhập cao chiếm ít nhất 80% thì con số này tại châu Phi chỉ là 27%. “Chúng tôi không bài vaccine, nhưng bày tỏ lo ngại về việc vaccine đã được phát triển và tiêm phòng quá nhanh”, ông Rich Sicina, người đứng đầu Liên đoàn Y tá trẻ Indaba (Nam Phi) với 18.000 thành viên, chia sẻ.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()