Châu Phi chú trọng giáo dục chất lượng cao
Các trường đào tạo về quản trị kinh doanh trên thế giới từ lâu đã lãng quên châu Phi, nơi bị cho là dễ có nhiều rủi ro và lợi nhuận ít. Tuy nhiên, trước những thành tựu tốt đẹp về phát triển của châu Phi, một số trường học trên thế giới gần đây bắt đầu mở chi nhánh hoặc tổ chức các chương trình đào tạo mở rộng tại châu Phi, bởi họ cho rằng, đào tạo quản lý chất lượng cao có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, khi khu vực này đang trở thành một cực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.Trong khi Nam Phi là quốc gia có không ít trường đào tạo quản trị kinh doanh đẳng cấp quốc tế, tại các nơi khác thuộc châu Phi, chỉ có một số ít học viện hàng đầu thế giới mở các trung tâm đào tạo. Nhiều thanh niên châu Phi phải ra nước ngoài đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh và nhiều người trong số đó không trở về nước làm việc. Tại CHDC Công-gô, đất nước thời gian dài chìm trong nội chiến, do thiếu các trường giáo dục...
Trong khi Nam Phi là quốc gia có không ít trường đào tạo quản trị kinh doanh đẳng cấp quốc tế, tại các nơi khác thuộc châu Phi, chỉ có một số ít học viện hàng đầu thế giới mở các trung tâm đào tạo. Nhiều thanh niên châu Phi phải ra nước ngoài đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh và nhiều người trong số đó không trở về nước làm việc. Tại CHDC Công-gô, đất nước thời gian dài chìm trong nội chiến, do thiếu các trường giáo dục kinh doanh chất lượng cao, rất ít người Công-gô có kỹ năng cần thiết đáp ứng sự bùng nổ của ngành công nghiệp tài chính nhỏ. Phần lớn các ngân hàng ở đây phải tuyển nhân viên người nước ngoài hoặc những người gốc Công-gô nhưng sống ở nước ngoài từ 10 đến 20 năm, cho các vị trí quản lý. Song, mức lương trả cho họ rất cao nên ảnh hưởng sự tăng trưởng của ngân hàng và kinh tế địa phương. Sự nghèo nàn trong phân tích, lên kế hoạch và thực hiện, hay nói cách khác là quản lý yếu kém đối với các vấn đề nhà ở, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và việc làm đang là vấn đề chung đối với nhiều nước châu Phi. Đó là nhận xét của R.A-me-ri-ca, giáo sư Trường Kinh doanh McDonough của Đại học Gioóc-giơ-tao, người từng giúp đỡ các trường học ở châu Phi.
Nhằm nắm bắt những tiềm năng của đào tạo tại châu Phi, CEIBS, Trường Kinh doanh quốc tế Trung – Âu đã mở một trong các chương trình đào tạo quốc tế lớn nhất ở châu Phi. Trường có trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc) này đã mở một chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh ở Thủ đô A-cra của Ga-na vào tháng 3-2009, với một lớp 40 sinh viên và đang tuyển khóa thứ ba. Giảng viên của CEIBS tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân viên người châu Phi và có các chương trình mới nhắm tới đối tượng là các nữ doanh nhân, người làm công tác quản lý chăm sóc sức khỏe và lãnh đạo các bộ lạc. CEIBS giảm giá học phí cho sinh viên châu Phi. Tại CHDC Công-gô, Trường Tài chính và Quản lý Phran-phuốc năm ngoái đã mở một chương trình tài chính nhỏ hợp tác với Trường đại học Prô-tét-xtăng-tê của Công-gô. Với khoản quỹ hai triệu ơ-rô của Cơ quan trao đổi đại học Đức (DAAD), các học viện giáo dục cũng đề nghị đào tạo quản lý cho các ngân hàng quốc tế và các công ty tín dụng nhỏ ở Thủ đô Kin-xa-xa của CHDC Công-gô. Trường Kinh doanh En-đin-bớc, thuộc Đại học Hê-ri-ốt Oát ở Xcốt-len đề nghị đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh ở châu Phi từ năm 1990 và hiện có 2.000 sinh viên châu Phi đang học tập trong nước. Tháng 9 vừa qua, trường này bắt đầu cấp 250 suất học bổng trong năm năm cho sinh viên châu Phi, những người cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc phục vụ sự phát triển đất nước. Ngay cả ở xa các thành phố lớn, sinh viên cũng có thể tham gia chương trình đào tạo từ xa mà không cần phải đi lại hay thay đổi công việc. Do vậy, Trường En-đin-bớc đã cấp học bổng cho các sinh viên 14 nước, trong đó có Dăm-bi-a, Ê-ti-ô-pi-a và Na-mi-bi-a. G.Ma-sen, phu nhân cựu Tổng thống Nam Phi N.Man-đê-la đề nghị trợ giúp bổ sung cho những học viên nữ qua chương trình tài trợ của bà. Một số viện quốc tế, trong đó có Trường kinh doanh Cô-lôm-bi-a đang làm việc tại châu Phi thông qua chương trình đào tạo năm năm với 100 triệu USD tài trợ cho giáo dục quản lý đối với 10 nghìn phụ nữ ở các nước nghèo.
Các nhà làm công tác giáo dục dự báo rằng, với việc các nền kinh tế trên khắp châu lục này đang sẵn sàng 'cất cánh' và các công ty ra sức 'săn lùng' những người được đào tạo bài bản, sẽ có một sự thay đổi và là cơ hội tốt cho các trường mở rộng đào tạo ở châu Phi. Tại Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi tại Thủ đô Ma-đrít của Tây Ban Nha mới đây, các đại biểu nhất trí cho rằng, thời đại của 'Lục địa đen' đã đến. Thế giới đang chứng kiến một châu Phi mới với những tiềm năng và triển vọng phát triển tốt đẹp. Tổng giám đốc Hệ thống Thông tin và truyền thông của Nam Phi Th.G.Ma-xê-cô khẳng định, các cơ quan truyền thông thế giới cần thay đổi nhận thức khi thông tin về châu Phi. Nhà nhiếp ảnh, đồng thời là chủ nhân Giải báo chí Pulitzer nổi tiếng thế giới H.Bau-lút cho rằng, thay đổi nhận thức về một châu Phi mới còn cần thay đổi chương trình giảng dạy trong các trường học.
Theo Nhandan
Ý kiến ()