Châu bản Triều Nguyễn và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Với những giá trị độc đáo và nổi bật, khối tư liệu Châu bản Triều Nguyễn phản ánh công tác quản lý Nhà nước về mọi mặt của triều đình nhà Nguyễn (1802-1945), vừa qua đã được tổ chức UNESCO cấp "Bằng Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương" (ngày 30-7-2014). Ðặc biệt với các giá trị về nội dung và pháp lý, Châu bản Triều Nguyễn là cứ liệu lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Châu bản Triều Nguyễn có 773 tập, bao gồm khoảng 85 nghìn văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Ðồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Ðịnh và Bảo Ðại). Loại hình văn bản của Châu bản Triều Nguyễn rất phong phú, đa dạng: chiếu, dụ, chỉ, sớ, tấu, khải, phúc, phiến trình… được quy định một cách chặt chẽ về chức năng và thẩm quyền ban hành. Các loại hình văn bản này chủ yếu được viết tay trên chất liệu giấy dó, nó phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, những biến động lịch sử, các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.
Châu bản Triều Nguyễn chứa đựng nhiều giá trị. Bên cạnh tính xác thực cao, bởi đó là những thông tin phục vụ công tác quản lý từ địa phương tới Trung ương do các vua Triều Nguyễn xử lý, bút phê bằng mực đỏ; Châu bản Triều Nguyễn còn là khối tài liệu duy nhất tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới có bút tích các nhà vua phê duyệt mọi vấn đề của đất nước trên các loại văn bản. Từ các tài liệu gốc này, giúp chúng ta có thể phục dựng toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử khoảng 150 năm (từ năm 1802 đến 1945).
Châu bản Triều Nguyễn còn phản ánh mối quan hệ giữa nước ta với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn như mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, với Pháp và các nước Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Tây Ban Nha…
Song giá trị nổi bật của Châu bản Triều Nguyễn còn ở chỗ nó là cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số 85 nghìn đơn vị Châu bản còn lưu giữ được, có gần 20 tờ Châu bản liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa mà nội dung của nó cho thấy Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo này một cách liên tục, thông qua các hoạt động quản lý Nhà nước với sự chỉ đạo trực tiếp của các triều vua. Có thể dẫn ra đây, Châu bản đề ngày 12-2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) phản ánh sau khi nhận công văn của Nội các có Châu phê của nhà vua “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền được mang theo 10 cọc gỗ (mỗi cọc dài bốn đến năm thước, dày một tấc) khắc sâu dòng chữ to: “Minh Mệnh thập thất niên”. Năm Bính Thân, các viên cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh”. Bộ Công đã chuẩn bị đủ cọc gỗ và gửi cho tỉnh Quảng Ngãi chuyển cho Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật đem ra cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa.
Tờ Châu bản đề ngày 21-6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) có nội dung: Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa đợt này có Ðỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá là người của Bộ. Ðoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ ba, đồng thời vẽ được bốn bản đồ mang về (trong đó một bức vẽ chung, ba bức vẽ riêng từng vùng). Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình lên triều đình… Khối tài liệu Châu bản Triều Nguyễn cũng thể hiện, xác định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam nên có chính sách cứu hộ, cứu nạn đối với các thương thuyền nước ngoài đi qua vùng biển nước ta gặp nạn.
Bản tâu ngày 27-6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) của Thủ ngự cửa biển Ðà Nẵng cho biết ngày 21-6 vừa qua có một chiếc thuyền của Pháp từ Ðà Nẵng đi Lữ Tống (tên gọi Phi-li-pin lúc bấy giờ), khi đến phía Tây quần đảo Hoàng Sa không may bị mắc cạn. Khi được tin báo, Thủ ngự Ðà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ liền huy động thuyền của ta mang lương thực, nước uống đi tìm và đã cứu được những người bị nạn về cửa biển Ðà Nẵng. Vua Minh Mệnh sau khi tiếp nhận bản tâu trình đã châu phê một chữ “lãm” (đã xem) vào tờ Châu bản này… Dưới thời Bảo Ðại, tuy nước Việt bị chìm trong vòng nô lệ của thực dân Pháp nhưng triều đình Huế không quên trách nhiệm đối với Hoàng Sa. Hai tờ Châu bản do Bảo Ðại bút phê, một là truy tặng Huy chương Long tinh của triều đình nhà Nguyễn cho La-ri Phông-ten, Chánh cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh đóng tại Hoàng Sa, vừa qua đời ở Huế đầu tháng 2-1939. Hai là, chuẩn y của Bảo Ðại về việc ban thưởng Huy chương “ngũ hạng Long tinh” cho ngạch lính Khố xanh ở Trung Kỳ vì họ đã có nhiều công lao trong việc lập đồn phòng thủ bảo vệ Hoàng Sa…
Thời gian gần đây, dưới nhiều hình thức khác nhau, trên đất nước ta đã và đang diễn ra nhiều hoạt động hướng về biển, đảo. Trong đó, có không ít cuộc triển lãm, trưng bày giới thiệu các tư liệu, hình ảnh trong nước và cả nước ngoài nhằm khẳng định chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Châu bản Triều Nguyễn, khối tư liệu có giá trị nhiều mặt đã và sẽ được trưng bày, giới thiệu ở Hà Nội, Huế, Ðà Nẵng và nhiều nơi khác, góp phần giúp các thế hệ người Việt Nam hôm nay và người nước ngoài hiểu rõ hơn về chủ quyền biển, đảo của chúng ta trong lịch sử, nhất là khi Trung Quốc đang có mưu toan độc chiếm Biển Ðông.
Tuy nhiên, Châu bản là khối tư liệu bằng chữ Hán nôm rất khó đọc, khó hiểu. Cho nên để quảng bá và phát huy giá trị của Châu bản Triều Nguyễn, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp bảo quản tốt, mặt khác biên dịch ra tiếng Việt; đồng thời hệ thống tư liệu này cần được số hóa và đưa về các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và thư viện lớn trong cả nước. Qua đó, giúp các nhà khoa học, những người làm văn hóa, giáo viên giảng dạy các cấp, sinh viên các trường đại học… có điều kiện tiếp cận một cách thuận lợi, không ngoài mục đích tìm hiểu, khám phá và truyền tải giá trị nhiều mặt của Châu bản Triều Nguyễn đến công chúng trong nước và quốc tế.
“Châu bản Triều Nguyễn có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ ai. Bởi nó đưa chúng ta ngược dòng lịch sử hơn một trăm năm trước, qua đó tiếp cận với nền chính trị, kinh tế; cũng như những cam kết lâu dài về văn hóa, khoa học và giáo dục còn giá trị đến ngày nay… Ðây chỉ là một số minh chứng cho thấy Châu bản thể hiện quyết tâm của quốc gia Việt Nam trong phát triển các lĩnh vực và giao lưu quốc tế”. CA-TƠ-RIN MU-LƠ MA-RIN (Trưởng Ðại diện UNESCO tại Việt Nam) |
Châu bản Triều Nguyễn mang giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo của nước ta. Việc Châu bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới càng làm tăng thêm giá trị của Châu bản trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. HOÀNG TUẤN ANH (Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()