Châu Âu ứng phó giá nhiên liệu tăng cao
Tân Hoa xã dẫn số liệu do Văn phòng Thống kê liên bang Ðức (Destatis) công bố ngày 11/4 cho thấy, giá xăng dầu ở Hà Lan, Ðan Mạch và Ðức tăng cao hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu.
Giá nhiên liệu tiêu chuẩn E10 và dầu diesel tại Ðức đã vượt mốc 2 euro/lít. Giá nhiên liệu thậm chí còn cao hơn ở Hà Lan và Ðan Mạch, lần lượt là 2,11 euro và 2,09 euro. Chính phủ Ðức đã áp dụng một số biện pháp để giảm bớt tác động của giá năng lượng leo thang.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng ở Ðức, khiến giá cả tăng vọt, một số mặt hàng thực phẩm và đồ uống thiếu hụt. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất bia Ðức, chi phí năng lượng và nguyên liệu tăng cao đang buộc các nhà sản xuất bia phải tăng giá. Trong khi đó, dầu hướng dương, một loại thực phẩm phổ biến và chiếm tới hơn 30% số lượng được bán ở Ðức cũng ngày càng khan hiếm. Việc Nga cấm xuất khẩu hạt hướng dương và hạt cải dầu đến cuối tháng 8 có thể khiến các loại dầu ăn sẽ tăng giá.
Giá bánh mì tại Ðức trong tháng 2/2022 đã cao hơn 5% so cùng kỳ năm ngoái và có khả năng tiếp tục tăng. Hiệp hội Ngũ cốc và bột xay xát (VGMS) cho biết, căng thẳng ở Ukraine tác động lớn đến các nhà sản xuất mì ống ở Ðức. Chi phí năng lượng, nguyên liệu thô, đóng gói và hậu cần tăng khiến các nhà sản xuất phải tăng giá. Giá điện cao, chi phí nhiên liệu cho thức ăn và vận chuyển gia súc tăng đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp chăn nuôi, khiến giá thịt tăng tại Ðức.
Tại Ireland, ngày 11/4, nhiều lái xe đã điều khiển xe tải phong tỏa các con đường dẫn đến cảng Dublin, nhằm phản đối giá nhiên liệu tăng vọt. Hành động này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh và cuộc sống người dân. Các lái xe tải yêu cầu Chính phủ can thiệp để kiểm soát giá nhiên liệu. Chính phủ Ireland tổ chức họp khẩn, thảo luận một số biện pháp nhằm giảm nhẹ áp lực chi phí sinh hoạt gia tăng đối với người dân.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng, giúp giảm giá dầu thế giới. Tuy nhiên, OPEC đã ám chỉ quyết định không tăng sản lượng dầu, khi thông báo với EU rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể dẫn tới “cú sốc” về nguồn cung dầu và khó tìm cách thay thế. Ngày 11/4, Tổng Thư ký OPEC nêu rõ: Có khả năng sẽ thiếu hụt hơn 7 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga và khó có thể bù đắp sản lượng dầu lớn như vậy.
Ngày 12/4, Thủ tướng Italia Mario Draghi và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên mới giữa hai công ty năng lượng quốc gia là Eni và Sonatrach. Ðộng thái này là một phần trong nỗ lực của Italia nhằm thay thế khí đốt của Nga. Algeria hiện là nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai vào Italy, cung cấp khoảng 21 tỷ mét khối mỗi năm.
Trước đó, Ai Cập cũng đã nhất trí với EU về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hydro xanh. Trong tuyên bố sau cuộc họp tại Cairo giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ai Cập và EU nhất trí phát triển quan hệ “đối tác hydro xanh” tại khu vực Ðịa Trung Hải, bao gồm thương mại hydro giữa châu Âu, châu Phi và vùng Vịnh.
Ý kiến ()