Châu Âu tung loạt biện pháp mới vực dậy kinh tế
Ngoài việc giảm dự báo triển vọng tăng trưởng, ECB cũng tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế nhằm giúp Eurozone vượt qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde |
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 19 thành viên dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 3,9 % trong năm 2021, thấp hơn so với dự báo trước đó là 5%.
Mức tăng trưởng năm 2022 của Eurozone được dự báo ở mức 4,2% và năm 2023 có thể đạt mức tăng trưởng 2,1%.
Cũng tại hội nghị, ECB thông báo tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế nhằm giúp Eurozone vượt qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ hai.
Hội đồng điều hành gồm 25 thành viên đã nhất trí với loạt biện pháp kích thích mới để ứng phó tình trạng suy thoái kinh tế của khu vực.
Theo đó, ECB sẽ bổ sung thêm 500 tỷ euro (605 tỷ USD) vào chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) và đưa tổng giá trị chương trình lên 1.850 tỷ euro.
ECB cũng dự kiến kéo dài chương trình ít nhất đến hết tháng 3/2022 và cấp thêm các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng để khuyến khích cho vay.
Trong những kế hoạch kích cầu như thế này, các ngân hàng trung ương in tiền và bơm vào nền kinh tế thông qua việc mua những tài sản như cổ phiếu và trái phiếu.
“Các biện pháp chính sách tiền tệ đưa ra ngày hôm nay sẽ góp phần tạo ra điều kiện tài chính thuận lợi trong giai đoạn đại dịch, theo đó hỗ trợ dòng chảy tín dụng đến tất cả các khu vực của nền kinh tế, trợ lực cho các hoạt động kinh tế và bảo vệ sự ổn định giá cả trong trung hạn”, tuyên bố của ECB cho hay.
Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói đại dịch tiếp tục đặt ra “rủi ro nghiêm trọng” đối với các nền kinh tế ở châu Âu. Bà Lagarde cũng cho rằng các biện pháp phong tỏa được thiết lập trở lại để chống dịch có thể gây trì hoãn bất kỳ sự phục hồi nào của kinh tế khu vực.
Dù ngành sản xuất trụ vững, lĩnh vực dịch vụ tại châu Âu đã “suy giảm nghiêm trọng” vì số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh và những nỗ lực chống dịch mới, vị Chủ tịch nói thêm. “Chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết để hỗ trợ hoạt động kinh tế”.
Theo ECB, “mức độ bấp bênh vẫn còn cao” xét đến diễn biến của dịch bệnh và thời gian phân phối vaccine. Vì vậy, ECB sẵn sàng điều chỉnh các công cụ sẵn có để bảo đảm tỷ lệ lạm phát hướng tới mốc mục tiêu 2%. Hiện tại, lạm phát ở ECB đang ở ngưỡng âm.
Trong cuộc họp vừa qua, ECB duy trì lãi suất cơ bản đồng euro ở mức -0,5%. Bà Lagarde nói bà kỳ vọng lãi suất sẽ giữ ở mức này hoặc giảm thêm cho tới khi triển vọng lạm phát có sự cải thiện.
“Những tuyên bố chính sách ngày hôm nay của ECB nhìn chung không nằm ngoài dự kiến, nhưng cho thấy cam kết của ECB về sử dụng bảng cân đối kế toán trong thời gian vượt quá đại dịch để giữ lợi suất trái phiếu ở ngưỡng siêu thấp”, chuyên gia kinh tế trưởng Andrew Kenningham của Capital Economics phát biểu.
Đây là lần thứ hai ECB mở rộng chương trình kích cầu có tên Pandemic Emergency Purchase Program (Chương trình trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch – PEPP). Hồi tháng 6, quy mô của chương trình tăng thêm 600 tỷ euro, tương đương 726 tỷ USD.
Dù hồi phục kỷ lục trong quý 3 vừa qua, quy mô nền kinh tế EU vẫn nhỏ hơn 4,2% so với ở thời điểm tháng 9/2019, theo cơ quan thống kê Eurostat.
Đối mặt với làn sóng COVID-19 mới đang hoành hành, nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu gồm Đức, Pháp và Italy phải phong tỏa. Vì vậy, các nhà dự báo cho rằng GDP của châu Âu sẽ lại giảm trong quý 4.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Âu giảm 7% trong 2020, một mức giảm mạnh hơn con số dự báo dành cho kinh tế Mỹ nhưng bớt nghiêm trọng hơn mức giảm dự kiến đối với kinh tế Anh.
Ý kiến ()