Châu Âu trước thách thức hồi hương công dân gia nhập IS
Lực lượng an ninh Pháp diễn tập chống khủng bố.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp C.Castaner mới đây khẳng định, Pháp sẽ không hồi hương các công dân gia nhập IS tại Syria. Chính phủ Đức cũng vừa phê chuẩn một dự luật sửa đổi cho phép tước bỏ quyền công dân Đức đối với những người mang hai quốc tịch, nếu như họ từng chiến đấu trong hàng ngũ của các tổ chức khủng bố nước ngoài. Trong một tuyên bố, Chính phủ Đức nhấn mạnh, những người ra nước ngoài tham gia các tổ chức khủng bố đã quay lưng lại với Chính phủ, người dân và các giá trị cơ bản của Đức. Trong khi đó, Bộ Nhập cư Đan Mạch thông báo, trẻ em sinh ra ở nước ngoài, là con của công dân Đan Mạch tham chiến cho IS sẽ không được nhập quốc tịch Đan Mạch. Bộ trưởng Nhập cư Đan Mạch I.Stojberg nhấn mạnh: “Bố mẹ của những trẻ em này quay lưng với Đan Mạch, do đó không có lý do gì để những trẻ em này trở thành công dân của Đan Mạch”. Các quốc gia châu Âu khác như Anh, Áo cũng kiên quyết phản đối việc tiếp nhận lại công dân đã từng tham chiến cho IS tại Syria, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi tiếp nhận và đưa các đối tượng này ra xét xử.
Những động thái nêu trên của các nước châu Âu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump đề nghị các nước này tiếp nhận và xét xử hàng trăm tay súng là công dân châu Âu tham gia IS và bị quân đội Mỹ bắt giữ tại Syria. Lực lượng người Cuốc tại Syria cũng tuyên bố không đủ nguồn lực để giam giữ vô thời hạn các tay súng nước ngoài. Vấn đề hóc búa này là nguyên nhân dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt ở châu Âu. Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, sẽ “vô cùng khó khăn” khi tổ chức hồi hương những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS tại Syria. Trong khi đó, Pháp luôn giữ quan điểm cứng rắn rằng, các công dân của nước này, nếu đã tham gia hoạt động của IS tại Syria và Iraq, phải bị xét xử tại nước họ phạm tội. Bộ Tư pháp Pháp khẳng định, Paris sẽ không chịu nhượng bộ trước bất kỳ sức ép nào và sẽ duy trì chính sách cho phép hồi hương đối với từng trường hợp cụ thể.
Các nhà phân tích cho rằng, những năm qua châu Âu đã gánh chịu nhiều vụ tiến công khủng bố. Vì vậy, việc các nước trong khu vực không mặn mà với việc tiếp nhận thêm những đối tượng từng đứng trong hàng ngũ khủng bố, là điều dễ hiểu. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại, những đối tượng này nếu trở về có thể đe dọa nền an ninh của “lục địa già”, nhất là trong bối cảnh châu Âu vẫn bị đe dọa bởi nguy cơ khủng bố từ tàn quân IS. Tờ Thời báo Chủ nhật (Anh) mới đây thông tin về việc IS đang âm mưu thực hiện các vụ khủng bố trên khắp châu Âu. Theo tờ báo trên, kế hoạch này nằm trong những tài liệu được tìm thấy trong ổ cứng máy tính mà một thành viên IS đánh rơi khi chiến đấu tại thành trì cuối cùng ở Syria. Những tài liệu này đề cập chi tiết cách thức mà IS tiếp tục sử dụng để điều hành các mạng lưới quốc tế, vận chuyển thành viên qua biên giới, lên kế hoạch cướp ngân hàng, đâm xe, ám sát và tiến công mạng. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) cũng cho biết, gần 1.500 đối tượng khủng bố từng hoạt động tại Trung Đông, đã có mặt ở châu Âu. FBS cảnh báo, mặc dù bị tổn thất nặng nề tại Syria và Iraq, các tổ chức khủng bố như IS, Al Qeada và những nhóm vũ trang có mối quan hệ với các nhóm này vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với châu Âu.
Cuộc chiến chống khủng bố ngay trong lòng châu Âu hiện vẫn là thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo khu vực. Trong bối cảnh đó, việc hồi hương công dân từng tham chiến cho các tổ chức khủng bố tại nước ngoài dự báo sẽ tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi không chỉ đối với châu Âu, mà cả các nước đang giam giữ các tay súng khủng bố.
Theo Nhandan
Ý kiến ()