Châu Âu trở thành tâm dịch COVID-19
Châu Âu hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới khi nhiều nước tại khu vực liên tục thông báo số ca nhiễm mới tăng vọt trong nhiều ngày và ngày hôm sau luôn cao hơn ngày hôm trước.
Tính đến 11h GMT (tức 18h giờ Việt Nam) ngày 5/11, tổng cộng 52 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Âu có 11,6 triệu ca mắc, trong đó có hơn 293.000 ca tử vong. Như vậy, châu Âu đã vượt cả khu vực Mỹ Latin và Caribe với 11,4 triệu ca mắc, trong đó có 407.000 ca tử vong.
Số ca mắc tại châu Âu tăng vọt trong những tuần gần đây sau khi dịch bệnh tạm lắng vào mùa Hè ở Bắc bán cầu. Kể từ đầu tháng 10, khu vực này ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày cao nhất thế giới. Tuần trước, “lục địa già” công bố 277.000 ca mắc mới trong một ngày, chiếm hơn 50% tổng số 517.000 ca mắc/ngày trên toàn cầu. Tỷ lệ lây nhiễm tuần trước tại châu Âu cũng tăng hơn 20% so với tuần trước đó.
Giám đốc văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, Hans Kluge, cho biết châu Âu hiện đang chứng kiến sự bùng phát dịch với tốc độ cực nhanh, với 1 triệu ca nhiễm mới chỉ trong vài ngày và tỷ lệ tử vong đang ngày một tăng.
Ngày 5/11, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran đánh giá rằng làn sóng dịch thứ hai dịch COVID-19 tại Pháp có nguy cơ nghiêm trọng hơn so với đợt đầu tiên bùng phát vào mùa Xuân, nếu virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận 58.046 ca mắc mới, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 lên hơn 1,6 triệu người kể từ đầu dịch. Hiện nước này đứng đầu châu Âu về số ca mắc mới COVID-19 theo ngày, với tỷ lệ dương tính trên số người làm xét nghiệm lên tới 20,76%.
Trong khi đó, tại Nga, diễn biến dịch vẫn hết sức căng thẳng khi một số bệnh viện tại Moskva đều thông báo không còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Bác sĩ Denis Protsenko làm việc tại một bệnh viện ở Kommunarka, Moskva, cho biết toàn bộ 870 giường bệnh trong bệnh viện đã kín chỗ và trong số này có tới 137 bệnh nhân đang phải chăm sóc đặc biệt.
Cùng ngày 5/11, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 mới tính theo ngày tại Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát hồi tháng 3 năm nay.
Các số liệu do viện RKI công bố cho thấy trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận 19.990 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 596.583 người. Bên cạnh đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 118 người sau 24 giờ lên 10.930 ca. Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp viện RKI ghi nhận hơn 100 ca tử vong do COVID-19 tại Đức.
Bộ Y tế CH Czech cho biết có 15.729 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, theo đó, tổng số ca mắc tại Czech đã tăng lên 378.716 ca. Với 10,7 triệu dân, Czech hiện là nước có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất trong làn sóng dịch bệnh thứ hai ở châu Âu. Theo Bộ trên, tổng số ca tử vong tại Czech cũng tăng lên 4.133 ca sau khi có thêm hàng trăm ca tử vong mới.
Thống kê của Cơ quan y tế Thụy Điển cho thấy nước này đã xác nhận thêm 4.034 ca mắc trong ngày 5/11. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay tại đây và cao hơn cả con số 3.254 ca công bố hôm 29/10 vừa qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia Bắc Âu này tăng lên 141.764 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Thụy Điển có thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 6.002 ca.
Nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh, ngày 5/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định tài trợ 128,2 triệu euro cho 23 dự án nghiên cứu về đại dịch COVID-19 và những hệ quả của nó. 23 dự án này là những dự án đã được EC lựa chọn trong đợt phát động nghiên cứu sáng tạo của EU từ đầu năm 2020 nhằm đối phó với COVID-19. Theo Ủy viên châu Âu về thanh niên và sáng tạo Mariya Gabriel, các dự án nghiên cứu này cho phép cộng đồng ứng phó tốt hơn với đại dịch COVID-19 hiện nay cũng như các đại dịch khác trong tương lai, đồng thời cho phép EU có thể nâng cao khả năng ứng phó nhanh để ngăn ngừa dịch bệnh, cải thiện khả năng chẩn đoán và chữa bệnh.
Ý kiến ()