Châu Âu tìm lối thoát khỏi "cơn lũ" nợ công
Hội nghị cấp cao đầu tiên năm 2012 của Liên hiệp châu Âu (EU) đã diễn ra vỏn vẹn hơn bảy giờ tại Thủ đô Brúc-xen, trong "vòng vây" của một cuộc tổng đình công quy mô lớn nhất ở Bỉ kể từ năm 1993. Dù có chủ đề về tăng trưởng và tạo việc làm, nhưng trọng tâm của hội nghị vẫn là tìm lối thoát cho EU khỏi cơn lũ nợ công và vực dậy nền kinh tế châu Âu đang khủng hoảng nghiêm trọng.Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, trong đó cam kết thực hiện ba lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới là: khuyến khích tạo thêm việc làm, nhất là cho giới trẻ; thành lập thị trường chung duy nhất ở châu Âu; thúc đẩy đầu tư tài chính vào các nền kinh tế, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) H.Ba-rô-xô đánh giá cao kết quả của hội nghị, nhất là cam kết của các nhà lãnh đạo EU và các nước thành viên về vấn đề tăng trưởng và tạo việc làm; coi đây là một bước đi quan trọng đối với...
Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, trong đó cam kết thực hiện ba lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới là: khuyến khích tạo thêm việc làm, nhất là cho giới trẻ; thành lập thị trường chung duy nhất ở châu Âu; thúc đẩy đầu tư tài chính vào các nền kinh tế, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) H.Ba-rô-xô đánh giá cao kết quả của hội nghị, nhất là cam kết của các nhà lãnh đạo EU và các nước thành viên về vấn đề tăng trưởng và tạo việc làm; coi đây là một bước đi quan trọng đối với tương lai của châu Âu, trong bối cảnh có đến 23 triệu thanh niên châu Âu đang thất nghiệp.
Hội nghị nhất trí đưa Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ ơ-rô, vào hoạt động từ tháng 7 tới, sớm hơn một năm so với kế hoạch để thay thế Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) sẽ hết hiệu lực năm 2013, nhằm hỗ trợ các nước thành viên đang ngập trong nợ công. Ngoài ra, 25 trong tổng số 27 nước thành viên EU (trừ Anh và Séc) đã nhất trí thông qua một hiệp ước mới, do Đức đề xuất, về quản lý ngân sách với tên gọi “Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính-tiền tệ”.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) M.Đra-ghi cho rằng, văn kiện pháp lý này là một “bức tường lửa” giúp EU tránh khỏi các cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách tái diễn trong tương lai, coi đây là bước đi đầu tiên hướng tới một liên minh tài chính vững mạnh ở châu Âu. Tuy nhiên, việc Anh và Séc không thông qua hiệp ước trên và Hy Lạp từ chối để EU giám sát ngân sách quốc gia, cho thấy nội bộ EU vẫn bất đồng trong các biện pháp đối phó khủng hoảng.
Ngoài việc xây dựng và thông qua kế hoạch về việc làm, 17 nước thành viên Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) tin tưởng những quy định nghiêm ngặt mới về tài chính sẽ giúp khôi phục lòng tin của giới đầu tư đối với đồng ơ-rô, vấn đề nợ công và triển vọng khôi phục kinh tế khu vực. Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-puy cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua một loạt quyết định nhằm khôi phục nhanh hơn, mạnh hơn niềm tin vào nền kinh tế EU. Nhưng việc ổn định tài chính vẫn chưa đủ để giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, vì vậy EU cần có sự tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm hơn.
Hội nghị cấp cao EU diễn ra trong bối cảnh “cơn lũ” nợ công đang nhăm nhe “nhấn chìm” Hy Lạp, ngấp nghé tràn vào các nước lớn trong EU như I-ta-li-a, Pháp và Anh. Với mức nợ công “khổng lồ” lần lượt là 1.900 tỷ ơ-rô, 1.700 tỷ ơ-rô và 1.000 tỷ bảng (1.550 tỷ USD), I-ta-li-a, Pháp và Anh có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công bất cứ lúc nào. Trong đó, tình hình Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai EU, là đáng lo ngại hơn cả. Bởi trong khi phần lớn chủ nợ của I-ta-li-a là những nhà đầu tư trong nước, Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài. Nếu một trong ba nước trên rơi vào cảnh vỡ nợ, hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng gấp nhiều lần Hy Lạp, không chỉ khiến châu Âu lao đao mà còn có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Trong khi đó, Hy Lạp, nước khởi nguồn của cuộc khủng hoảng nợ công, lo ngại nguy cơ vỡ nợ sẽ thành hiện thực vào tháng 3 tới, nếu A-ten không sớm nhận được gói cứu trợ mới của EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trị giá 130 tỷ ơ-rô. Ngay trong quyết định cứu trợ Hy Lạp, nội bộ EU cũng bộc lộ mâu thuẫn. Châu Âu chia rẽ thành hai phe, một phe muốn tung phao cứu sinh cho A-ten, trong khi một số nước lại có ý định “mặc kệ” để Hy Lạp chìm trong “cơn lũ” nợ công. Cùng lúc đó, một loạt nền kinh tế trong Eurozone như I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bỉ… đã bị cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch hạ mức tín nhiệm, với lời cảnh báo về triển vọng tiêu cực đối với các nền kinh tế trên và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Thậm chí, nền kinh tế Bỉ còn bị IMF đánh giá là đã rơi vào suy thoái. Tại Tây Ban Nha, thống kê cho thấy, có tới gần 180 nghìn doanh nghiệp phá sản kể từ năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, các thỏa thuận về kinh tế – tài chính đạt được tại Hội nghị cấp cao EU lần này chưa có bước đột phá và nội bộ EU chưa thật sự đoàn kết khi có những nước vẫn tuyên bố không tham gia hiệp ước mới, song giới phân tích đánh giá cao kết quả của hội nghị và hy vọng EU sẽ dàn xếp bất đồng để sớm đưa những kết quả này vào triển khai, mới mong đẩy lùi cơn lũ nợ công ở châu Âu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()