Châu Âu thiếu trầm trọng nhân viên y tế
Hệ thống y tế quá tải đang là vấn đề hiện nay của châu Âu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2030, châu Âu sẽ thiếu khoảng 15 triệu nhân viên y tế.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở những nước thu nhập thấp mà còn ở cả các quốc gia phát triển. Tại Đức, tính đến cuối năm 2021, nước này trống 35.000 chỗ làm trong ngành y tế, tăng 40% trong vòng 10 năm qua.
Đức hiện phải nhờ cậy tới lao động từ các nước khác. Hiện nay, cứ 5 bác sĩ ở Đức thì có một người gốc ngoại quốc, đông nhất là người Syria.
Từ nay đến năm 2030, châu Âu ước tính thiếu khoảng 15 triệu nhân viên y tế (ảnh minh họa). Ảnh: Le Monde |
Tại các nhà dưỡng lão, hơn 1/3 số hộ lý và y tá đến từ Đông Âu, Nam Âu, Việt Nam, Philippines. Tại Anh, Cơ quan National Health Service (NHS) đang gặp khủng hoảng sau Brexit và đại dịch Covid-19, hậu quả của 10 năm không được đầu tư đúng mức.
Dịch vụ y tế công ở Anh trước đây hầu như là miễn phí thì nay nhiều người dân phải cầu viện đến y tế tư nhân để không phải chờ đợi nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Tình trạng thiếu bác sĩ đa khoa và y tá cũng diễn ra tại Bỉ và Tây Ban Nha. Trong khi đó, tại Hy Lạp, khoảng 20.000 bác sĩ đã bỏ ra nước ngoài trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế (2010-2018).
Theo tờ Le Monde (Pháp), xu hướng thiếu nhân lực trong ngành y tế đã xuất hiện từ vài năm nay. Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên như: Dân số thế giới đang già đi và sẽ ngày càng cần được chăm sóc nhiều hơn; gia tăng các bệnh mãn tính; năng lực đào tạo còn hạn chế… Cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch Covid-19 còn làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nhân viên y tế ở châu Âu. Một nghiên cứu của WHO công bố tháng 7-2022 cho thấy, khi bắt đầu dịch bệnh, ở châu Âu, các dịch vụ như chăm sóc răng miệng và sức khỏe tâm thần bị gián đoạn nhiều nhất.
Ý kiến ()