Châu Âu không dễ “nói không” với dầu mỏ Nga
Việc châu Âu chia rẽ và buộc phải điều chỉnh đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga nhằm đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên đối với kế hoạch này, cho thấy “lục địa già” không dễ gì thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow…
Hiện nay, Hungary, Slovakia và CH Séc là 3 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chưa nhất trí với đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga trong gói trừng phạt mới của EU do lo ngại những tác động xấu. Hungary và Slovakia là hai nước không giáp biển, không có đường ra biển và không kết nối với bất kỳ đường ống dẫn dầu nào của châu Âu, vì vậy phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung dầu Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này sẽ cần 5 năm cùng các khoản đầu tư khổng lồ vào các nhà máy lọc dầu và đường ống để thoát phụ thuộc dầu từ Nga. Trong khi CH Séc cũng chưa sẵn sàng do cần thêm thời gian để tăng công suất các đường ống dẫn dầu của nước này, dự kiến cũng phải mất từ 2 đến 3 năm.
Đường ống dẫn khí đốt Nga tới châu Âu thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trong giai đoạn lắp đặt. Ảnh: Highnorthnews.com |
Ngoài ra, các nước thành viên khác gồm Síp, Hy Lạp và Malta cũng quan ngại về kế hoạch cấm vận chuyển dầu mỏ Nga theo đề xuất cấm vận. Đây là những nước có các hạm đội tàu vận chuyển dầu lớn nhất trong EU nên việc đồng tình cấm vận dầu mỏ Nga cũng là điều họ phải cân nhắc kỹ.
Đề xuất mới sửa đổi cho phép Hungary và Slovakia có thể tiếp tục mua dầu của Nga chuyển qua đường ống cho đến cuối năm 2024. Trong khi đó, CH Séc có thể mua dầu đến tháng 6-2024. Tuy nhiên, chưa rõ những thay đổi này liệu có giúp châu Âu thông qua được gói trừng phạt mới đối với Moscow, bao gồm đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga hay không?
Trong bối cảnh không phải tất cả các nước dưới “mái nhà chung” châu Âu đều ở chung một hoàn cảnh, nỗ lực cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu hiện nay liên quan tới cuộc xung đột Ukraine, rõ ràng là không thể nóng vội. Chưa kể nỗ lực này sẽ cản trở một số mục tiêu quan trọng khác mà lục địa già đang hướng tới, bao gồm giảm năng lượng hạt nhân và bảo đảm an ninh năng lượng.
Châu Âu cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi sự chia rẽ về vấn đề sử dụng năng lượng hạt nhân. Tại châu Âu, một số cam kết tránh sử dụng năng lượng hạt nhân đã được đưa ra sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản và trước đó là vụ nổ lò phản ứng Chernobyl năm 1986.
Và thực tế là kể từ năm 2004, sản lượng điện hạt nhân đã giảm trên khắp châu Âu sau khi một số nước đóng cửa các nhà máy hạt nhân. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện cũng đang chuẩn bị đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng trong năm nay. Bỉ cũng đang dự định đóng cửa các nhà máy hạt nhân vào năm 2025. Tuy nhiên, một số nước như Pháp, Romania, Hungary hay Hà Lan, theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), lại đang tăng cường sản xuất điện hạt nhân.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine hiện nay và giá năng lượng leo thang đang khiến các nước có dự định giảm năng lượng hạt nhân phải suy nghĩ lại. Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng của Bỉ, ông Tinne Van der Straeten thuộc Đảng Xanh, đã thông báo quyết định trì hoãn rút khỏi năng lượng hạt nhân của Bỉ.
Người phát ngôn của Đảng Xanh tuyên bố trên Reuters rằng: “Thế giới đã thay đổi. Hoàn cảnh buộc chúng tôi phải thay đổi lộ trình nhưng không phải điểm đến”. Điều đáng chú ý là Đảng Xanh chính là đảng chính trị đã chiến thắng trong cuộc bầu cử nhờ cam kết loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, giúp đảng này lần đầu tiên lên nắm quyền trong chính phủ liên minh hồi năm 2003-khi nỗ lực loại bỏ năng lượng hạt nhân của Bỉ bắt đầu. Kể từ đó đến nay, trải qua 12 chính phủ khác nhau, mục tiêu này của Bỉ vẫn chưa đạt được.
Đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, vốn chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của châu Âu, còn gây quan ngại làm phức tạp vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng của khối trong khi giá dầu đang tăng vọt. Vì vậy, châu Âu phải đi từng bước thận trọng trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng Nga nói chung. Đầu tiên là quyết định ngừng mua than đá của Nga. Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga là bước đi kế tiếp và đang cho thấy khó khăn hơn nhiều.
Cuối cùng sẽ là khí đốt Nga, vốn chiếm 40% lượng khí đốt ở châu Âu là nhập khẩu từ Nga. Sự phụ thuộc vào khí đốt Nga của châu Âu là không thể phủ nhận khi nguồn khí đốt quan trọng này đang được sử dụng để sưởi ấm các ngôi nhà và sản xuất điện trên toàn khối EU. Việc tìm nguồn cung khí đốt thay thế khí đốt Nga vốn khó khăn hơn so với dầu thô của Nga.
Bởi vậy, EU hiện chưa chĩa “mũi dùi” cấm vận vào khí đốt Nga, vốn được cho là bước tối hậu và phức tạp nhất. Nhưng khối này cũng đã ra tuyên bố sẽ cắt giảm 2/3 trong khoảng 40% nguồn cung khí đốt từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga trước năm 2030.
Ý kiến ()