Châu Âu: Giữ lãi suất thấp kỷ lục
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%.
Theo thông báo của ECB, các mức lãi suất quan trọng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục. Cụ thể, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.
Sau khi quyết sách này được công bố, đồng euro tiếp tục mạnh lên so với đồng USD, giữa bối cảnh kỳ vọng về một gói kích thích lớn mới của Mỹ dưới chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy sự lạc quan của thị trường và làm giảm nhu cầu đối với các đồng tiền trú ẩn an toàn như đồng USD.
Đồng euro đã tăng 0,4% so với đồng USD và giao dịch ở mức 1,2153 USD/euro trong vài phút sau khi ECB quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ và để ngỏ khả năng để có thêm các biện pháp kích thích mới để đối phó với đại dịch COVID-19 đang hoành hành.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn gây ra “những rủi ro nghiêm trọng” đối với hệ thống y tế công cũng như nền kinh tế Eurozone và toàn cầu. Những rủi ro xung quanh triển vọng tăng trưởng của Eurozone “vẫn nghiêng về hướng suy giảm nhưng ít rõ rệt hơn”. Bà viện dẫn những tín hiệu đáng khích lệ bao gồm thông tin về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, thỏa thuận về mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu-Anh trong tương lai và sự khởi động các chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, đại dịch vẫn đang diễn ra và những tác động của nó đối với các điều kiện kinh tế và tài chính sẽ là nguồn cội của những nguy cơ gây suy giảm kinh tế.
Quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt của ECB được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu vẫn đang phải chật vật kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Tuần này, Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối Eurozone đã quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt cho đến giữa tháng 2. Trong khi đó, tại Pháp, một lệnh giới nghiêm toàn quốc bắt đầu từ 18h cũng sẽ có hiệu lực vào cuối tuần này.
Đã có nhiều mối lo ngại rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới nhất có thể gia tăng sức ép lên nền kinh tế của Eurozone, vốn đang từng bước phục hồi sau khi sụt giảm mạnh vào quý III/2020. Tháng 12 năm ngoái, ECB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021, sau khi giảm 7,3% trong năm 2020.
Mức tăng trưởng năm 2022 của Eurozone được dự báo ở mức 4,2% và năm 2023 có thể đạt mức tăng trưởng 2,1%.
Trước đó, ECB thông báo tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế nhằm giúp Eurozone vượt qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ hai.
Theo đó, ECB sẽ bổ sung thêm 500 tỷ euro (605 tỷ USD) vào chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) và đưa tổng giá trị chương trình lên 1.850 tỷ euro.
ECB cũng dự kiến kéo dài chương trình ít nhất đến hết tháng 3/2022 và cấp thêm các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng để khuyến khích cho vay.
Trong những kế hoạch kích cầu như thế này, các ngân hàng trung ương in tiền và bơm vào nền kinh tế thông qua việc mua những tài sản như cổ phiếu và trái phiếu.
Ý kiến ()