Châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào khí đốt Nga
Việc khánh thành nhà ga LNG tại Alexandroupolis diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Một nhà ga tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới đã chính thức đi vào hoạt động hôm 1/10 tại cảng Alexandroupolis, miền Bắc Hy Lạp. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Nhà ga, do công ty Hy Lạp Gastrade vận hành, bao gồm một tàu chứa LNG nổi có khả năng lưu trữ 44.000 m3, neo đậu cố định tại Biển Thrace.
Hệ thống đường ống dài 28km kết nối nhà ga với mạng lưới phân phối khí đốt của Hy Lạp, cho phép cung cấp khí đến các quốc gia láng giềng như Bulgaria, Romania, Macedonia, Serbia, Moldova, Hungary, Slovakia và Ukraine.
Theo thông tin từ Gastrade, nhà ga sẽ được cung cấp khí từ Mỹ, Qatar và Ai Cập. Ông Kiril Ravnachki, Giám đốc điều hành của công ty Bulgartransgaz (sở hữu 20% cổ phần của Gastrade), cho biết đây là một sáng kiến quan trọng để tăng cường an ninh năng lượng cho khu vực Đông Nam và Trung Âu, đồng thời giúp giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga.
Trong một thông cáo báo chí, Gastrade nhấn mạnh nhà ga này là một sáng kiến thiết yếu để tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu và sự độc lập của châu lục đối với khí đốt tự nhiên của Nga. Quan điểm này cũng được các đại sứ EU tại Hy Lạp chia sẻ trong chuyến thăm nhà ga tuần trước.
Việc khánh thành nhà ga LNG tại Alexandroupolis diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Trước đó, vào tháng 12/2022, một đường ống dẫn khí dài 170 km nối giữa Bulgaria và Serbia đã được khánh thành, nhằm vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan. Đường ống này có khả năng kết nối với nhà ga LNG tại Alexandroupolis.
Ngoài ra, để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn của Nga, cũng đã ký một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp để nhập khẩu LNG trong 10 năm./.
Ý kiến ()