Châu Âu đón mùa "Giáng sinh nóng"
Châu Âu đang ngập trong tuyết trắng, báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt. Tuy nhiên, những bông tuyết rơi dường như không xua tan được sức nóng đang gia tăng của làn sóng biểu tình và bãi công lan rộng tại nhiều nước, phản đối các kế hoạch kinh tế khắc khổ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ công.Hơn 100 nghìn người từ khắp nước I-ta-li-a đã đổ về Thủ đô Rô-ma biểu tình, phản đối các kế hoạch khôi phục kinh tế không hiệu quả của chính phủ, kêu gọi Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni từ chức. Nhiều người quá khích đã đốt phá và ném chai lọ, gạch đá vào cảnh sát. Trong khi đó, Chính phủ I-ta-li-a đã 'thoát hiểm' khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, với 314 phiếu ủng hộ và 311 phiếu chống. Chiến thắng sít sao đã giúp Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị kéo dài 16 năm của ông và tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, thời gian tới Chính phủ I-ta-li-a sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật,...
Châu Âu đang ngập trong tuyết trắng, báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt. Tuy nhiên, những bông tuyết rơi dường như không xua tan được sức nóng đang gia tăng của làn sóng biểu tình và bãi công lan rộng tại nhiều nước, phản đối các kế hoạch kinh tế khắc khổ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ công.
Hơn 100 nghìn người từ khắp nước I-ta-li-a đã đổ về Thủ đô Rô-ma biểu tình, phản đối các kế hoạch khôi phục kinh tế không hiệu quả của chính phủ, kêu gọi Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni từ chức. Nhiều người quá khích đã đốt phá và ném chai lọ, gạch đá vào cảnh sát. Trong khi đó, Chính phủ I-ta-li-a đã 'thoát hiểm' khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, với 314 phiếu ủng hộ và 311 phiếu chống. Chiến thắng sít sao đã giúp Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị kéo dài 16 năm của ông và tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, thời gian tới Chính phủ I-ta-li-a sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật, nhất là trong thời điểm I-ta-li-a cần thông qua các chính sách kinh tế nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ công đang ngấp nghé tràn vào lãnh thổ đất nước hình chiếc ủng. Nhằm tránh 'vết xe đổ' Hy Lạp, Thượng viện I-ta-li-a, trước đó là Hạ viện, đã thông qua kế hoạch ngân sách năm 2011, theo đó cắt giảm 25 tỷ ơ-rô (33,3 tỷ USD) trong ngân sách giai đoạn 2011-2012. Kế hoạch cắt giảm ngân sách trên sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, từ các khoản viện trợ của trung ương cho địa phương đến lương của viên chức.
Trong khi đó, giao thông công cộng ở Hy Lạp rối loạn do cuộc bãi công của lực lượng lao động từ ngày 12 đến 16-12, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của các tổ chức công đoàn. Cuộc bãi công nhằm phản đối kế hoạch cải cách kinh tế khắc khổ của chính phủ, cải tổ các cơ quan nhà nước, cải cách lĩnh vực lao động đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 110 tỷ ơ-rô của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đỉnh điểm trong ngày 15-12, giao thông công cộng ở Thủ đô A-ten đã ngưng trệ hoàn toàn khi các nhân viên tổng bãi công 24 giờ, nhằm kêu gọi tẩy chay kế hoạch cắt giảm lương và nhân công trong ngành này. Hoạt động vận tải hàng không gián đoạn, nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc hủy do các nhân viên kiểm soát không lưu bãi công. Các ngân hàng ở A-ten đóng cửa không làm việc. Bất chấp làn sóng biểu tình và đình công lan rộng, Thủ tướng Hy Lạp G.Pa-pan-đrê-u tuyên bố sẽ đẩy mạnh chương trình 'thắt lưng buộc bụng', nhằm trước mắt đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và tiến tới khôi phục nền kinh tế.
Các nghiệp đoàn lao động Bồ Đào Nha đã tổ chức cuộc tổng bãi công, nhằm phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ của chính phủ vừa được QH phê chuẩn. Đây là lần đầu kể từ năm 1988 người lao động trong khu vực công và tư nhân ở Bồ Đào Nha cùng tham gia tổng bãi công. Bãi công đã khiến nhiều hoạt động kinh tế và xã hội của Bồ Đào Nha đình trệ. Hơn 500 chuyến bay bị hủy, nhiều hải cảng tê liệt, sản xuất và cung ứng nhiên liệu tại nhiều địa phương bị gián đoạn. Kế hoạch kinh tế do Chính phủ Bồ Đào Nha đề xuất nhằm mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh chưa từng thấy từ mức 7,3% GDP năm nay xuống 4,6% GDP năm 2011, gần hơn so với mức 3% GDP quy định của EU. Tuy nhiên, người lao động lo ngại kế hoạch này sẽ dẫn tới cắt giảm lương, tăng thuế và giảm các khoản trợ cấp xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đời sống vốn đang khó khăn của họ. 'Noi gương' Pháp, QH Xlô-vê-ni-a đã thông qua dự luật cải cách hưu trí, theo đó tăng độ tuổi về hưu từ 60 lên 65 tuổi, nhằm bảo đảm tài chính công ổn định lâu dài. Với điều luật có hiệu lực từ đầu năm 2011 này, Chính phủ Xlô-vê-ni-a hy vọng sẽ giảm ngân sách từ 5,4% GDP dự kiến năm 2010 xuống dưới 3% vào cuối năm 2013. Đồng thời, Xlô-vê-ni-a quyết định hoãn tăng lương khu vực công và thông qua ngân sách khắc khổ giai đoạn 2011 – 2012. Tuy nhiên, các công đoàn lớn của nước này thông báo sẽ tổ chức biểu tình, bãi công và trưng cầu ý dân để ngăn cản việc thực thi điều luật này.
Năm mới đang đến gần. Chính phủ nhiều nước châu Âu đang nỗ lực đối phó cuộc khủng hoảng nợ công và những khó khăn về kinh tế, để đưa đất nước bước sang năm mới thịnh vượng và tươi sáng hơn. Tuy nhiên, mặt trái của các kế hoạch kinh tế 'khắc khổ' sẽ khiến cuộc sống của người lao động thêm khó khăn. Giới phân tích cho rằng, điều cần thiết bây giờ là dung hòa lợi ích của đất nước và quyền lợi của người lao động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()