Châu Âu dần trở lại cuộc sống bình thường
Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic (giữa) tuyên bố là nước đầu tiên ở châu Âu hết dịch COVID-19. |
Ngày 25/5, Thủ tướng MontenegroDusko Markovic tuyên bố nước này đã khống chế thành công dịch COVID-19 sau 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới và cũng chỉ 69 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Tính tới ngày 25/5, Montenegro ghi nhận 324 ca mắc bệnh và 9 ca tử vong.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với đơn vị chuyên trách phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Markovic khẳng định quốc gia này đã chiến thắng dịch bệnh và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu hết dịch. Đây được cho là tuyên bố quan trọng với nền kinh tế nước Balkan nhỏ bé với dân số 620.000 người vốn phụ thuộc vào du lịch này.
Từ đầu tháng 3 vừa qua, Montenegro đã buộc phải đóng cửa các đường biên giới, sân bay và cảng biển, các trường học, cấm các hoạt động tụ tập đông người và các hoạt động ngoài trời để ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Là một trong những nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, Tây Ban Nhađang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và học sinh đã có thể đến trường trở lại. Ngày 25/5, quốc gia có lượng du khách trong và ngoài nước nhiều thứ hai thế giới đã lên tiếng mời gọi du khách nước ngoài trở lại nước này từ tháng Bảy tới. Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto khẳng định “sẽ thật tuyệt” khi du khách khắp nơi lên kế hoạch nghỉ hè tại Tây Ban Nha vào tháng Bảy tới với những chương trình hấp dẫn.
Trong ngày 25/5, Đan Mạchđã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với các nước khác ở Tây Bắc châu Âu và Đức.
Thủ tướng CH CzechAndrej Babis tuyên bố quốc gia này và Slovakia sẽ mở lại biên giới trong tuần này, cho phép người dân hai bên qua lại tối đa trong 48 giờ, bắt đầu từ ngày 27/5, mà không phải tiến hành xét nghiệm hay cách ly. CH Czech cũng mở cửa biên giới với Áo và Đức từ ngày 26/5 nhưng yêu cầu người nhập cảnh cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.
Luxembourgcũng thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 27/5, cho phép các quán cà phê và nhà hàng mở cửa trở lại, các hoạt động kỷ niệm và nghi lễ tôn giáo cũng sẽ được tiến hành với các điều kiện nghiêm ngặt.
Tại Bỉ, người dân bước vào phần tiếp theo của giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, học sinh các cấp đã trở lại trường và việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc đối với trẻ dưới 12 tuổi. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Bỉ tuyên bố sẽ không áp đặt trở lại các biện pháp nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch COVID-19 ngay cả khi làn sóng COVID-19 thứ hai xảy ra tại nước này. Bỉ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, với 57.092 ca mắc bệnh, trong đó có 9.280 ca tử vong. Dự kiến, chính phủ nước này sẽ họp với các lãnh đạo vùng, các chuyên gia kinh tế và y tế vào ngày 3/6 tới để thảo luận việc nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế.
Tại Hy Lạp, chính phủ đã cho phép các quán cà phê và nhà hàng được mở cửa lại từ ngày 25/5. Cùng ngày, Chính phủ Icelandcũng nới lỏng mức báo động quốc gia đối với dịch COVID-19, cho phép hoạt động tụ tập tới 200 người. Các câu lạc bộ ban đêm và phòng tập thể dục mở cửa trở lại trong bối cảnh nước này cơ bản đẩy lùi được đại dịch.
Theo thông báo của chính phủ, Iceland hạ mức cảnh báo từ “giai đoạn khẩn cấp” xuống “giai đoạn cảnh giác” – 2 trong số 3 giai đoạn. Cụ thể, các hoạt động tụ tập đông người sẽ được phép với điều kiện bảo đảm giữ khoảng cách ít nhất 2 m. Các phòng tập có thể mở cửa trở lại nhưng chỉ với 50% công suất, trong khi các quán bar và nhà hàng có thể phục vụ khách đến 23h hằng ngày. Chính phủ Iceland đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch từ đầu tháng 5 này khi cho phép các hiệu làm tóc, viện bảo tàng và trường học hoạt động trở lại.
Còn tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 25/5 tuyên bố nước này có thể mở cửa trở lại các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu vào ngày 15/6 nếu đại dịch COVID-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cũng theo Thủ tướng Johnson, kể từ ngày 1/6, các khu chợ ngoài trời và các phòng trưng bày xe hơi có thể được phép mở cửa trở lại nếu các cơ sở này đáp ứng các nguyên tắc chỉ đạo phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Anh khẳng định: “Có những bước đi thận trọng song được cân nhắc kỹ lưỡng trên con đường hướng tới hoạt động tái thiết đất nước”.
Cùng ngày, Chính phủ Anh công bố số liệu cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 121 trường hợp, hiện là 36.914 người.
Đức dự định kéo dài thời hạn giãn cách xã hội tới 5/7
Chính phủ Đức dự định tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 5/7 mặc dù sẽ nới lỏng một số hạn chế. Hiện đã có hai bang là Thüringen và Sachsen tuyên bố sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế từ ngày 6/6 tới. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều chính trị gia cũng như các bang khác ở Đức, cho rằng hành động như vậy là quá mạo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trong khi đó, mức giảm 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2020 là mức giảm hàng quý lớn nhất mà nền kinh tế Đức phải hứng chịu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm và là mức giảm lớn thứ hai kể từ năm 1990. Các nhà kinh tế dự báo sản lượng kinh tế của Đức sẽ giảm mạnh hơn trong quý II/2020, chủ yếu do tác động của các biện pháp phong tỏa áp dụng từ giữa tháng Ba nhằm khống chế dịch COVID-19
Hà Lan: Thêm bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 từ chồn
Bộ Nông nghiệp Hà Lan ngày 25/5 thông báo ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2 nghi có nguồn gốc lây nhiễm từ chồn nuôi. Cách đây khoảng 1 tháng, Chính phủ Hà Lan cũng đã thông báo về trường hợp chồn tại một trang trại ở miền Nam nước này nhiễm virus SARS-CoV-2 và sau đó, cơ quan chức năng nước này đã mở cuộc điều tra sâu rộng về nguồn gốc lây nhiễm. Tuần trước, Hà Lan thông báo về ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên nghi chồn là nguồn lây bệnh. Ở thông báo lần này, bà Carola Schouten thừa nhận những khuyến cáo trước đó của Bộ Nông nghiệp Hà Lan cho rằng người có thể lây virus cho động vật nhưng động vật không lây virus cho người là sai.
Số ca mắc bệnh mới tại Hà Lan đã giảm đáng kể, trong ngày 25/5 có 209 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 hiện là 45.445, trong đó có 5.830 ca tử vong (tăng 8 trường hợp).
Ý kiến ()