Châu Âu chi 53 triệu USD thu thập huyết tương để điều trị COVID-19
EU ngày càng tin tưởng vào liệu pháp điều trị bằng huyết tương, được áp dụng truyền trực tiếp cho các ca bệnh nặng, và đang được thử nghiệm để phát triển thành thuốc điều trị COVID-19.
Liên minh châu Âu (EU) đã dành ra tới 45 triệu euro (tức 53 triệu USD) nhằm tăng cường thu thập huyết tương từ những người đã khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để điều trị cho những người đang mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Động thái trên cho thấy EU ngày càng tin tưởng vào liệu pháp điều trị bằng huyết tương, vốn đang áp dụng trong các bệnh viện để truyền trực tiếp cho các ca bệnh nặng, và đang được thử nghiệm để phát triển thành thuốc điều trị COVID-19.
Số tiền trên được lấy từ quỹ khẩn cấp mà đến nay EU chỉ dùng cho các vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong đại dịch, như mua thuốc điều trị COVID-19 và các loại vắcxin tiềm năng.
Các khoản hỗ trợ cũng được phân phát đến các trung tâm thu thập máu để giúp mua các trang thiết bị mới, như bộ xét nghiệm và máy móc để tách huyết tương trong máu.
Một quan chức EU cho biết các trung tâm thu thập huyết tương do các công ty tư nhân vận hành cũng có thể tiếp cận quỹ trên.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết số tiền trên nhằm hỗ trợ việc thu thập huyết tương cũng được sử dụng để thanh toán các chi phí để điều chỉnh thuốc chữa COVID-19, tuy nhiên phần lớn sẽ dùng cho huyết tương.
Hiện nhà sản xuất dược phẩm và hóa chất đa quốc gia Grifols của Tây Ban Nha, và một liên minh tập đoàn do nhà sản xuất thuốc Takeda của Nhật Bản đứng đầu, đang thu thập huyết tương để bào chế một loại thuốc chống COVID-19.
EC cho biết đã dùng 63 triệu euro trong quỹ khẩn cấp để mua thuốc remdesivir , loại thuốc duy nhất hiện nay được cho phép để điều trị COVID-19.
EU cũng đã cam kết 2 tỷ euro để đảm bảo được mua các vắcxin tiềm năng phòng dịch bệnh nguy hiểm này.
Trong một diễn biến khác, ngày 29/7, Nga thông báo kế hoạch bắt đầu sản xuất 2 vắcxin tiềm năng vào tháng Chín và tháng Mười tới.
Tại một hội nghị do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova đã nêu tên 2 vắcxin đang được viện nghiên cứu Gamaleya ở Moskva và một phòng thí nghiệm ở Siberia bào chế.
Bà Golikova cho biết: “Đến nay, đây là 2 loại vắcxin hứa hẹn nhất.”
Việc sản xuất loại đầu tiên sẽ tiến hành vào tháng Chín, trong khi vắcxin còn lại sẽ được sản xuất từ tháng 10.
Nga – nước hiện có số ca nhiễm nhiều thứ 4 thế giới, với hơn 828.000 ca nhiễm và 13.600 ca tử vong – hy vọng sẽ là nước đầu tiên sản xuất được vắcxin phòng SARS-CoV-2.
Tổng thống Nga nhấn mạnh điều quan trọng là cần đạt đến sản phẩm cuối cùng “một cách cẩn trọng”./.
Ý kiến ()