Châu Âu chật vật vì nợ
Các cuộc đàm phán về kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha đang trong giai đoạn quyết định, nếu không đạt thỏa thuận vào giữa tháng 5 tới, sẽ đẩy cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng ơ-rô khỏi tầm kiểm soát. Trong khi đó, sự nổi lên của đảng Người Phần Lan đích thực có quan điểm hoài nghi liên minh đồng ơ-rô đang đe dọa chính sách cứu trợ tài chính của châu Âu.Các nhà đàm phán của Liên hiệp châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hoàn tất kiểm tra các báo cáo tài chính của Bồ Đào Nha và cùng giới chức Li-xbon bước vào giai đoạn đàm phán có tính quyết định về gói cứu trợ 80 tỷ ơ-rô (116 tỷ USD). Mục tiêu của EU và IMF là đưa ra các điều kiện trao đổi đối với Bồ Đào Nha, hối thúc Li-xbon thực hiện chương trình cải cách kinh tế mạnh mẽ, gồm các kế hoạch tư nhân hóa, cải thiện thị trường lao động, hỗ trợ các ngân hàng yếu kém... Các bên cần đạt thỏa thuận về các kế hoạch cứu trợ vào giữa tháng 5 tới,...
Các nhà đàm phán của Liên hiệp châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hoàn tất kiểm tra các báo cáo tài chính của Bồ Đào Nha và cùng giới chức Li-xbon bước vào giai đoạn đàm phán có tính quyết định về gói cứu trợ 80 tỷ ơ-rô (116 tỷ USD). Mục tiêu của EU và IMF là đưa ra các điều kiện trao đổi đối với Bồ Đào Nha, hối thúc Li-xbon thực hiện chương trình cải cách kinh tế mạnh mẽ, gồm các kế hoạch tư nhân hóa, cải thiện thị trường lao động, hỗ trợ các ngân hàng yếu kém… Các bên cần đạt thỏa thuận về các kế hoạch cứu trợ vào giữa tháng 5 tới, thời điểm Li-xbon phải thanh toán khoản nợ trái phiếu 4,5 tỷ ơ-rô đáo hạn và cũng chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử trước thời hạn, ngày 5-6 tới. Nếu không đi đến một thỏa thuận, EU phải tìm kiếm các biện pháp mới nhằm hỗ trợ Li-xbon, tránh để khủng hoảng nợ tại Bồ Đào Nha tạo hiệu ứng đô-mi-nô trong khu vực đồng ơ-rô.
Thời hạn chót đang đến gần, trong khi các cuộc đàm phán về kế hoạch cứu trợ nói trên gặp nhiều khó khăn, cả trong và ngoài Bồ Đào Nha. Ở trong nước, bất kỳ thỏa thuận cứu trợ nào phải được cả chính phủ tạm quyền của Thủ tướng G.Xô-cra-tết và đảng Dân chủ Xã hội (SDP) đối lập chính thông qua. Ông Xô-cra-tết chủ trương theo đuổi các chính sách 'thắt lưng buộc bụng' nhằm giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Còn SDP từng bốn lần bác bỏ các kế hoạch siết chặt kinh tế của chính phủ và khiến Thủ tướng Xô-cra-tết phải từ chức hồi cuối tháng trước. Trong khi đó, các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ không nhượng bộ trước các điều kiện khắt khe để đổi lấy gói cứu trợ tiếp tục diễn ra, tạo sức ép không nhỏ đối với giới chức Li-xbon.
Trong khi đó, các điều kiện cho vay đối với Bồ Đào Nha vẫn chưa được các quan chức EU và IMF nhất trí. Lãi suất do IMF đề xuất đối với khoản cứu trợ Bồ Đào Nha thấp hơn mức của Hy Lạp và thời hạn lại dài hơn. Đề xuất này không được các nước giàu trong EU chấp thuận. Tuy về thứ ba sau cuộc tổng tuyển cử ngày 17-4 tại Phần Lan, nhưng đảng Người Phần Lan đích thực, chính đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và chống chính sách cứu trợ tài chính trong khu vực đồng ơ-rô giành 39 ghế trong QH, đủ để 'có tiếng nói' trong hoạch định đường lối, chính sách phát triển của Phần Lan. Người đứng đầu đảng này từng tuyên bố sẽ phong tỏa kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha, nếu đảng này có chân trong chính phủ mới. Diễn biến mới trên chính trường Phần Lan dấy lên mối lo ngại về sự ủng hộ của Hen-xin-ki đối với các gói cứu trợ tài chính của EU, vốn cần sự thông qua của cả 17 thành viên khu vực đồng ơ-rô, trong đó có Phần Lan.
Các cuộc đàm phán cứu trợ Bồ Đào Nha chưa tới hồi kết, thì ngày càng xuất hiện nhiều mối lo ngại về việc Tây Ban Nha, một thành viên nữa của khu vực đồng ơ-rô, có thể sẽ cần viện trợ bên ngoài để đối phó tình trạng nợ công. Giới lãnh đạo Tây Ban Nha liên tiếp bác bỏ khả năng này và tuyên bố không chịu sức ép nào từ việc Bồ Đào Nha xin cứu trợ. Theo mạng tin Dự báo thị trường (Anh), kinh tế Tây Ban Nha liên tục giảm tốc, xuống 3,7% và 0,1% các năm 2009 và 2010. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, lên 20,33% cuối năm 2010, mức cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nhật báo Phố Uôn mới đây cho rằng, một khi Ma-đrít cầu viện EU và IMF, chi phí để cứu Tây Ban Nha sẽ vượt quá tổng giá trị các kế hoạch cứu trợ của châu Âu trước đây và thách thức tổng lực tài chính của khu vực.
Trong khi đó, khó khăn tài chính vẫn tiếp diễn tại các thành viên khu vực đồng ơ-rô hiện được EU và IMF cứu trợ. Tạp chí Business Insider cho biết, các ngân hàng Ai-len có thể cần thêm một khoản cứu trợ nữa, trị giá 39 tỷ USD để tránh vỡ nợ. Tại Hy Lạp, lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm lên tới 12,5%, trong khi liên tục xuất hiện các tin đồn A-ten sẽ cần một khoản cứu trợ nữa mới có thể trụ được. Đến nay EU vẫn có nguồn lực để lần lượt tung ra các gói viện trợ, nhưng nếu cuộc khủng hoảng lan rộng và liên minh này không còn đủ sức duy trì cứu trợ, EU sẽ đối mặt sự sụp đổ tài chính. EU đang chật vật tìm mọi cách để điều này không xảy ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()